Xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống
Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) đã được Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 7/3/2022. Thời gian qua, việc nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch được giao cho liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị với sự tham gia của nhiều nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm huy động tối đa nguồn lực trí tuệ cho phần việc vô cùng quan trọng này.
Hà Nội quyết tâm phát triển Thành phố là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Ảnh minh họa
Năm 2023, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng thời 3 nội dung công tác quan trọng liên quan tới xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là cơ hội quan trọng để Thành phố nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách, định vị các không gian phát triển, huy động nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển bền vững Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực.
Để mời gọi sự tham gia góp ý của các nhà khoa học giúp định hướng cho Quy hoạch Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học với quy mô lớn. Trong số này, Hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và Hội thảo khoa học "Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" có sự tham gia của giới khoa học từ các trường đại học trên địa bàn thành phố với hàng trăm tham luận.
Với sự quyết tâm cao độ, nhiều chuyên gia đã hiến kế, đề xuất các giải pháp cho vấn đề đang được quan tâm. Có thể kể đến một số tham luận như "Một số giải pháp phát triển Hà Nội bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Tiến sĩ Nguyễn Kim Hoàng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân); "Phát huy vai trò của các đại học, trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội" của PGS.TS Nguyễn Thị Anh Quyên và PGS.TS Trương Đại Lượng (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho rằng, Hà Nội là nơi đặt trụ sở của gần 100 trường đại học, cao đẳng với hàng nghìn giảng viên, nhà khoa học, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trong đó, số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước. Vì vậy, việc tổ chức các hội thảo khoa học là nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ to lớn trên địa bàn Thủ đô và cả nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, việc xác định chính xác những điểm nghẽn của Hà Nội và nguyên nhân sẽ tạo cơ sở để đưa ra ý tưởng đột phá, những giải pháp cụ thể để Hà Nội có thể bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đồng thời tiếp tục gợi ý định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống.
Trực tiếp chỉ đạo hai hội thảo khoa học nói trên, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nghiên cứu trên các lĩnh vực trong các trường đại học trên địa bàn thành phố. Đây là vấn đề hệ trọng, không chỉ liên quan đến thành phố mà còn với cả nước, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Hà Nội có được quy hoạch đúng, trúng thì sẽ là đầu tàu, tạo động lực và góp phần lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhận định, những nội dung tại các hội thảo khoa học đã gợi mở hướng tiếp cận những vấn đề cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu. Ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học rất đáng quý. Thành phố Hà Nội mong muốn các nhà khoa học hàng đầu cả nước sẽ tiếp tục tham gia đóng góp để Hà Nội có bản quy hoạch xứng tầm, cập nhật xu thế phát triển của thời đại, đảm bảo tính khả thi.
Nâng cao chất lượng quy hoạch để phát triển Thủ đô vươn tầm thế giới
Là người nhiều năm gắn bó và hiểu rõ về công tác quy hoạch của Hà Nội, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, trong suốt 70 năm qua, công tác quy hoạch luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cả nước và TP. Hà Nội quan tâm. Kết quả về công tác quy hoạch của thành phố được đánh giá là nổi trội, đồng bộ và khoa học (đã có 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt).
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện nay TP. Hà Nội đang tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (theo Luật Quy hoạch) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065 (theo Luật Quy hoạch đô thị). Cùng đó, TP cũng đang triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện quy hoạch.
Theo đánh giá của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, đây là thời cơ ngàn năm có một để phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới. Cả 2 quy hoạch đã được nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, cập nhật thông tin và cơ bản bám sát nhiệm vụ thiết kế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, các chính sách đặc thù xác định trong Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo động lực phát triển cũng đang hoàn chỉnh để trình Quốc hội. Do đó, rất cần các đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm trong tiếp thu các ý kiến tư vấn, phản biện để góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, thực sự trở thành những căn cứ quan trọng cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Trong khi đó, KTS. Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội nhận định, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Hà Nội là Thủ đô, đô thị đặc biệt, văn hiến, văn minh, thanh lịch, đẹp, giàu bản sắc dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu não, chính trị - hành chính quốc gia của một nước phát triển với khoảng 110 - 115 triệu dân.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu Hà Nội có hệ thống thủy lợi, thoát nước đồng bộ, không gian xanh, vành đai xanh và hồ nước phân bố hợp lý. Hệ thống công trình ngầm được quy hoạch xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển của một thành phố hiện đại...
Với ngân sách hạn hẹp, nguồn lực đất đai cạn dần, các dự án quy hoạch cần được nghiên cứu tích hợp đa ngành, giao thông đường bộ phải liên kết với đường thủy, đường sắt; đường sắt đô thị phải liên kết với đường sắt quốc gia và đường sắt ngoại ô; đường sắt đô thị tốc độ cao, khối lượng lớn kết hợp với tàu điện.
Bên cạnh đó, nâng cấp hiện đại hóa đường sắt từng bước gắn với xe bus thường, xe bus ưu tiên trên mặt đất cũng như trên cao, có khả năng chuyển đổi từ bus trên cao thành đường sắt đô thị trên cao. Phát triển giao thông gắn với đô thị theo định hướng TOD. Đầu tư đường sắt đô thị ngầm kết hợp với phát triển thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe ngầm, bể ngầm, sông ngầm trong phố...
KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, theo yêu cầu của Chính phủ, các đồ án quy hoạch phải có tính đột phá, hiện đại, có sự đổi mới toàn diện. Vì vậy, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô cũng như điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sẽ giúp giải bài toán tích hợp đa ngành. Đó cũng chính là yêu cầu đặt ra để các bản quy hoạch mới có tính khả thi chứ không phải là quy hoạch "treo".
Tập trung cao độ hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô
Để khẩn trương hoàn thành các bước tiếp theo trước khi trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô theo quy định, UBND TP. Hà Nội đã giao Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục rà soát, bám sát Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô, các nghị quyết của Trung ương có liên quan và Đề cương định hướng Quy hoạch Thủ đô đã được Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội thông qua, nhất là đánh giá các tồn tại, hạn chế, các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển.
Ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô đã đi được quá nửa hành trình với nỗ lực của các cấp, ngành thành phố. Dự thảo báo cáo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội gần 1.200 trang được tích hợp từ 39 nội dung đề xuất của các ngành, lĩnh vực, 30 nội dung đề xuất của các quận, huyện, thị xã kèm theo hệ thống sơ đồ, bản đồ được số hóa.
Dự thảo quy hoạch đưa ra 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian, 20 mục tiêu cụ thể; xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô, 4 đột phá phát triển. Quy hoạch nghiên cứu phân bổ không gian thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội.
Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho hay, các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực gắn với 4 tuyến hành lang và 1 vành đai kinh tế để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan tỏa nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN.
Có thể thấy rõ quan điểm lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu phát triển luôn được nhấn mạnh trong quan điểm phát triển Thủ đô. Mọi đổi thay trong tương lai đều hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu của nhân dân, được đa số đồng thuận trên cơ sở tiêu chí người dân có điều kiện sống tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội đầu tư tạo thêm việc làm, hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, bền vững.
Là một đơn vị có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng quy hoạch Thủ đô, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong năm 2023 Sở đã tập trung việc xây dựng và rà soát, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên địa bàn Hà Nội; hoàn thành các nội dung thẩm định theo tiến độ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh.
Chú trọng giải quyết tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư xây dựng phát triển kinh tế - xã hội luôn được ưu tiên, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch được kiểm soát ngày càng chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ điều kiện, quy trình thủ tục.
Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội, Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội và Thành ủy xây dựng các chương trình, kế hoạch lớn để triển khai cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thành ủy, HĐND TP. Hà Nội. Trong đó đặc biệt, Sở đã cùng với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp hoàn thành Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023.
Đến nay đã cơ bản hoàn thành đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, thống nhất đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan, được Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, HĐND TP. Hà Nội thông qua và đã trình Bộ Xây dựng thẩm định để tới đây báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Song song đó, trong năm 2023, Sở đã triển khai công tác lập Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh. Đến nay, ngoài 6 phân khu đô thị vệ tinh đã được phê duyệt tại Xuân Mai và Phú Xuyên, 25 phân khu khu đô thị vệ tinh và khu vực còn lại đã có đến 11 phân khu báo cáo trình duyệt, 4 phân khu tại Sóc Sơn đã được Ban thường vụ Thành ủy thông qua, 4 phân khu tại Hòa Lạc đã được Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố thống nhất, trình Thường trực Thành ủy xem xét, 2 phân khu được phê duyệt nhiệm vụ và 6 phân khu đã được phê duyệt dự toán lập quy hoạch.
Ngoài ra, Sở đã thực hiện các quy hoạch chuyên ngành và một số dự án trọng điểm đặc thù, nhất là rà soát các đồ án, dự án hai bên đường Vành đai 4; thẩm định các dự án đường Vành đai 1, các đoạn vành đai 2,5; 3; 3,5… các hồ sơ dự án đầu tư công như cầu Vân Phúc qua sông Hồng, đường nối quốc lộ 32 huyện Phúc Thọ, tuyến đường cao tốc đại lộ Thăng Long nối QL 21 đến đường đi Hòa Bình; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai…
Bước sang năm mới 2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tập trung cao độ để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô song song với quy hoạch Thủ đô, bảo đảm tạo lập các khu vực động lực phát triển đồng thời với việc giữ gìn, phát huy những điểm mạnh của Quy hoạch chung đã được duyệt, các giá trị di sản, kiểm soát phạm vi, quy mô phát triển đô thị bảo đảm hướng tới sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô bền vững.
Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai hoàn thành các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị, đồ án quy hoạch chi tiết, chuyên ngành quan trọng bảo đảm thực hiện và tuân thủ đồ án quy hoạch chung Thủ đô được duyệt; công bố công khai, bàn giao kịp thời các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.