Ngày 30/01, tại thành phố Đà Lạt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo khoa học về Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung chủ trì hội thảo.
Tham dự, có đại diện các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ Phạm S cho biết, tỉnh Lâm Đồng trân trọng lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng xã hội, nhằm giúp lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng nắm bắt chiến lược trong từng lĩnh vực và tìm kiếm ý tưởng hiến kế phù hợp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, các ý kiến và đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo sẽ được tỉnh xem xét để tổ chức công tác quy hoạch sắp tới, là cơ sở khoa học trong việc lựa chọn hướng phát triển đô thị cho thành phố Đà Lạt trong tương lai, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Các đồng chí chủ trì hội thảo.
Đà Lạt và vùng phụ cận có quy mô diện tích ranh giới quy hoạch khoảng 335 nghìn ha. Phạm vi quy hoạch được xác định từ độ cao 850m trở lên, được các dãy núi cùng quần thể thực vật phong phú bao quanh nên có khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm.
Với những tài nguyên về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng và quỹ di sản đô thị giá trị, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận hội tụ đủ các giá trị cốt lõi để Đà Lạt trở thành một trong những đô thị phát triển về kinh tế, khu nghỉ mát hấp dẫn bậc nhất Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong quy hoạch và phát triển đô thị, tập trung vào các vấn đề, như bảo tồn và phát triển bền vững, bảo vệ không gian xanh bền vững; vấn đề quy hoạch đất đai, đô thị, quy hoạch hệ thống hạ tầng và phát triển kinh tế-xã hội, hàn gắn thiên nhiên để giảm thiểu rủi ro và thích ứng biến đổi khí hậu... Đồng thời, thảo luận về việc tạo môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng và bảo đảm sự phát triển bền vững của Đà Lạt và vùng phụ cận trong tương lai.
Đà Lạt trong sương.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Đà Lạt đã qua nhiều lần được quy hoạch. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 704; theo đó, các đô thị đang được đầu tư phát triển đúng định hướng đồ án quy hoạch chung 704. Trong đó, Đà Lạt trở thành đô thị đối trọng với các đô thị còn lại là các đô thị vệ tinh, chia sẻ chức năng cho thành phố Đà Lạt.
Gần đây nhất, ngày 17/3/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 257, về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận phù hợp với sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên và đất nước.
Bản đồ quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, để gìn giữ đặc trưng riêng của Đà Lạt, hướng tới tiêu chí tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, rất cần có một định hướng dài hạn, các cơ chế chính sách đặc thù mới thực hiện thành công ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Quy hoạch phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo hướng bền vững, có tầm nhìn dài hạn, hướng tới tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp.
Qua đó, đặt ra vấn đề và tìm lời giải cho bài toán về sự cân bằng đối với các lĩnh vực, như phát triển nông nghiệp, du lịch, bảo tồn di sản; không gian, cảnh quan và kiến trúc đô thị… bảo đảm cơ sở khoa học và chiến lược phát triển bền vững thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.