Chiều 25/12, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Chiều 25/12, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, ưu tiên đầu tư có tính khả thi, hiệu quả
Báo cáo về tổng quan Quy hoạch TPHCM, đại diện đơn vị tư vấn cho rằng, Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phải tạo được sự đột phá trong việc tạo lập nền móng cho các giai đoạn kế tiếp theo định hướng “Kinh tế xanh - Xã hội văn minh - Đô thị sáng tạo - Hạ tầng thông minh - Môi trường bền vững”.
Theo đó, nội dung cốt lõi của Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là “Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, lựa chọn ưu tiên đầu tư có tính khả thi, hiệu quả và hướng tới tương lai” với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 khâu đột phá. Trong đó hướng tới mục tiêu: sửa chữa những sai lầm, tháo gỡ các khó khăn cho hơn 100 dự án đầu tư quan trọng đang bị chậm tiến độ; cải cách thể chế và hành chính; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tối thiểu 316 tỷ USD để có thể đạt được mục tiêu do Bộ Chính trị yêu cầu; tái cấu trúc lãnh thổ dựa trên chiến lược phát triển đô thị (CDS), chuyển từ cấu trúc đơn cực sang cấu trúc siêu thành phố (megapolis) đa trung tâm, với 01 Skyline ấn tượng, giàu bản sắc để góp phần khôi phục vị thế Hòn ngọc Viễn Đông.
Phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang thời kỳ lấy đổi mới sáng tạo làm trọng tâm, trong đó công nghiệp hóa, dịch vụ hóa giữ vai trò quan trọng cùng với sự hỗ trợ của một số ngành kinh tế khác, bao gồm: Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, kinh tế đô thị... để tạo ra sự tăng trưởng nhanh và bền vững.
Đồng thời, cần nhận thức đầy đủ về phát triển bền vững, tập trung giải quyết 7 vấn đề về môi trường; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm khoảng 40% quỹ đất thuận lợi và ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Tại cuộc họp, đại diện các sở ngành, các chuyên gia cũng đã nêu ra các ý kiến để đóng góp cho dự thảo quy hoạch. Theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, cần tiếp tục làm rõ khát vọng tầm nhìn xuyên suốt của TP đến 2050, vì đây là quan điểm chung để thống nhất vừa lãnh đạo vừa thực hiện. Về các kịch bản và mục tiêu, phải đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ theo mục tiêu của Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tối thiểu. Nếu quy hoạch thấp hơn kịch bản Trung ương đưa ra là không thể được.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM Đinh Minh Hiệp đề xuất tại cuộc họp
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM Đinh Minh Hiệp đề xuất quy hoạch cần phải định hướng nông thôn mới, đề cập rõ hơn đề án phát triển các quận và TP.
Còn theo TS. Trần Du Lịch giữa quy hoạch chung và quy hoạch của TPHCM phải song song và trùng khớp với nhau. Trong đó, cần chú trọng việc làm quy hoạch không phải “trả bài” mà phải quy hoạch để lại cho con cháu đời sau. TS. Trần Du Lịch cũng kiến nghị từng phương án liên quan sở, ngành chi tiết hơn, để thấy rõ từng ngành, từng lĩnh vực. Về định hướng phát triển TP thời gian tới cần gắn với chủ đề “Xanh và Số” sẽ tạo nên sức mạnh cho TP…
Rà soát quy hoạch vùng, lựa chọn các trọng tâm
Phát biểu kết luận tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi khẳng định quy hoạch TPHCM và quy hoạch chung TP là những nhiệm vụ rất quan trọng định hướng phát triển trong tương lai không chỉ cho riêng TP mà còn góp phần quyết định sự phát triển của đất nước. Vì vậy, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu phải thực hiện khẩn trương, khoa học, nghiêm túc và đạt được chất lượng cao. Trong đó, Ban chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương phải xác định được trách nhiệm của mình để cùng thực hiện nhiệm vụ.
Phân tích vai trò, thế mạnh của TPHCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu phải gắn quy hoạch thành phố với quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Trong đó, rà soát quy hoạch vùng, lựa chọn các trọng tâm, mạnh dạn tập trung vào những ngành có lợi thế của TPHCM và sự phối hợp phân công vai trò của từng địa phương trong vùng để thể hiện rõ được tính liên kết vùng. Đồng thời chú ý những ngành mới, cơ cấu nội ngành, chọn những điểm có lợi thế để đột phá.
Qua cuộc họp góp ý của Ban chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu từng thành viên Ban chỉ đạo bám sát nhiệm vụ, chỉ đạo sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tương tác với đơn vị tư vấn để trao đổi, lựa chọn mục tiêu, kịch bản phù hợp với TPHCM. Trong đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải ráp cho được quy hoạch TPHCM và quy hoạch chung TPHCM. Sở Nội vụ và Sở Quy hoạch và Kiến trúc cần phối hợp với liên doanh tư vấn để gắn quy hoạch với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đề án chuyển huyện lên quận hoặc thành phố thuộc TPHCM.
Nhấn mạnh đến 5 khía cạnh được đặt ra trong nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, làm rõ nội hàm của từng vấn đề gồm: kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh, xã hội văn minh và môi trường bền vững. Cần nghiên cứu, lựa chọn trong 5 khía cạnh này để thể hiện sắc nét, nổi bật trong quy hoạch thành phố và trong quy hoạch chung thành phố. Đặc biệt là mảng môi trường, xã hội.
“Về kịch bản tăng trưởng, tập trung kịch bản từ nay đến năm 2030 đạt được mức tăng trưởng như Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đề ra là 8%. Từ năm 2030 trở về sau có thể chọn kịch bản tăng trưởng từ 10% trở lên. Từ hai kịch bản này, sẽ xác định các điểm nghẽn chiến lược để tháo gỡ và những mô hình mới cần phải áp dụng. Bên cạnh đó là xác định những trọng tâm, đột phá trong tương lai, cả về thể chế. Các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng dự thảo quy hoạch để giữ tiến độ hoàn thành vào quý I/2024”. - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.