Đầu tư công trung hạn: Cần chuẩn bị từ sớm với các dự án lớn để kịp tiến độ

Thứ hai, 18/12/2023 14:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sau hoạt động giám sát kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm, HĐND TP. Hà Nội đã đề nghị UBND Thành phố chuẩn bị từ sớm với các dự án lớn dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030 để đảm bảo công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng, kịp tiến độ yêu cầu.


Công tác giải ngân vốn đầu tư đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm điều hành của TP. Hà Nội - Ảnh: VGP

Dự kiến hết giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 586 dự án

Sau khi triển khai các đoàn giám sát về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, qua hoạt động giám sát, các đoàn giám sát của Thường trực HĐND Thành phố nhận định, UBND Thành phố đã cùng các chính quyền cơ sở rất quyết tâm trong chỉ đạo triển khai kế hoạch đầu tư công.

UBND Thành phố đã thành lập 6 tổ công tác để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đôn đốc tình hình giải ngân.

Công tác giải ngân vốn đầu tư đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm điều hành của Thành phố. UBND Thành phố đã liên tục chỉ đạo từ khâu thực hiện thủ tục hành chính, công tác phối hợp giữa các đơn vị sở ngành, chính quyền địa phương, việc phối hợp giữa chủ đầu tư với các địa phương trong công tác GPMB, các nhà thầu... nhằm đạt được mục tiêu hàng năm, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Nhiều công trình trọng điểm đã được tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời để tổ chức khởi công mới hoặc hoàn thành theo tiến độ.

Về kết quả cụ thể về kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập và điều chỉnh 6 lần với tổng số vốn đến nay là trên 339.600 tỷ đồng, trong đó cấp Thành phố là tren 253.763 tỷ đồng, cấp huyện là trên 85.800 tỷ đồng. Nguồn vốn đã được cân đối để thực hiện các mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn của từng lĩnh vực, dự án.

Tính đến thời điểm 30/9/2023, Hà Nội đã cân đối bố trí kế hoạch vốn trung hạn thực hiện cho 492 dự án chuyển tiếp và được phê duyệt mới với số vốn là trên 136.511 tỷ đông, giải ngân đạt trên 32.000 tỷ đồng, bằng 23,5% kế hoạch giao.

Trong quá trình thực hiện, UBND Thành phố đã chủ động đề xuất trình HĐND quyết nghị một số giải pháp điều hành linh hoạt, phân cấp, ủy quyền góp phần rút ngắn thời gian triển khai một số thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đến hết năm 2022, Thành phố đã hoàn thành 131 dự án, dự kiến hết giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 586 dự án.

Phê duyệt chủ trương đầu tư trên 1.200 dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích

Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội đặc biệt quan tâm đầu tư 3 lĩnh vực: Đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp hệ thống y tế; tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư trung hạn 3 lĩnh vực này là trên 37.746 tỷ đồng cho trên 1.300 dự án. Trong đó, lĩnh vực giáo dục là trên 20.500 tỷ đồng cho 648 dự án, bằng 54,4%; lĩnh vực y tế là trên 9.0440 tỷ đồng cho 223 dự án, bằng 24%; di tích là 8.176 tỷ đồng cho 430 dự án, bằng 21,6%.

Tính đến 30/9/2023, Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.264/1.301 dự án (đạt 97,1%); đã phê duyệt 907 dự án (còn 357/1.264 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa phê duyệt dự án, chiếm 28,2%); đã khởi công và triển khai xây dựng 618/907 dự án đã được phê duyệt (còn 289/907 dự án cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để khởi công công trình chiếm 31,9%).

Các dự án sớm được triển khai, hoàn thành góp phần hoàn thiện quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị; phát triển kinh tế đồng đều, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả đầu tư như: Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, Cầu Vượt nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch...

Trong năm 2023, nhiều công trình xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải dự kiến sẽ hoàn thành" góp phần bảo vệ tài nguyên, khắc phục ô nhiễm môi trường, giảm thiểu úng ngập trên địa bàn Thành phố. Các công trình thuộc lĩnh vực y tế, đê điều, thủy lợi, giáo dục, văn hóa... đã được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cấp đời sống dân sinh và tinh thần người dân Thủ đô.

Nhiều công trình mới được khởi công là tiền đề, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau này, đồng thời góp phần hoàn thành trước thời hạn một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc

Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát, HĐND TP. Hà Nội nhận định, qua các kỳ điều chỉnh, cập nhật, công tác lập Kế hoạch trung hạn điều chỉnh còn chưa được đánh giá, dự báo đầy đủ.

Đến thời điểm giám sát, hầu hết các lĩnh vực có điều chỉnh, thay đổi trong danh mục các dự án thực hiện trong kỳ trung hạn 2021 - 2025 nhưng thiếu sự tham gia, đánh giá tác động của các Sở chuyên ngành về danh mục điều chỉnh này. Nhiều dự án không triển khai được như tiến độ dự kiến và yêu cầu ban đầu dẫn đến kéo dài thời gian triển khai, phải điều chỉnh tiến độ cân đối kế hoạch vốn trung hạn, tác động ảnh hưởng đến sự thay đổi về cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra, đánh giá của các đoàn giám sát HĐND cho thấy, công tác triển khai thủ tục đầu tư rất chậm. Theo báo cáo của UBND Thành phố, tính đến ngày 30/9/2023, Thành phố còn 82 dự án đã được dự nguồn để chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án trong giai đoạn 2023 - 2025 nhưng chưa hoàn thành thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, còn một số công trình dự án nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, các Chương trình công tác của Thành ủy… nhưng triển khai chuẩn bị đầu tư chậm, chưa khởi công theo tiến độ đề ra, thậm chí chưa được cân đối, dự nguồn.

Vì vậy, sau quá trình giám sát, HĐND Thành phố đã nêu đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu, trong đó chỉ rõ phạm vi, công trình cần ưu tiên triển khai (bao gồm cả việc lồng ghép giữa các chương trình) để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, cần tăng cường trách nhiệm của các Sở chuyên ngành được giao nhiệm vụ chủ trì tổng hợp các chương trình mục tiêu theo ngành, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các đơn vị chủ trì theo dõi Chương trình và sở tổng hợp, đảm bảo tính hệ thống, liên tục trong quá trình lồng ghép giữa các chương trình, lĩnh vực nhằm hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Đảng bộ Thành phố đã đề ra.

Hiện nay, khối lượng dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư còn rất lớn, UBND Thành phố cần chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục, có các giải pháp kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, đề nghị giao nhiệm vụ chuẩn bị từ sớm với các dự án lớn, quan trọng dự kiến triển khai trong giai đoạn trung hạn 2026-2030 để đảm bảo công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng, kịp tiến độ yêu cầu.

Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện và phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước và chủ đầu tư. Có phân công, giao trách nhiệm cụ thể theo nhóm ngành, lĩnh vực, địa bàn cho lãnh đạo, cán bộ có chuyên môn, trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục, tiến độ giải ngân vốn đầu tư hàng năm, phân loại những tồn tại, khó khăn vướng mắc, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết triệt để, kịp thời. 

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)