Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Nghị quyết thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều nội dung quan trọng.
Trung tâm thành phố Cà Mau. Ảnh: Thế Anh/TTXVN
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Nghị quyết thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng đồ án, sự cần thiết lập quy hoạch; phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, quan điểm, mục tiêu và các vấn đề chính cần giải quyết trong quy hoạch; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng; các yêu cầu về điều tra khảo sát hiện trạng thu thập tài liệu, nội dung chính của quy hoạch, hồ sơ sản phẩm; tổ chức thực hiện và nguồn kinh phí thực hiện lập quy hoạch.
Nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đảm bảo bám sát Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn; các quy hoạch khác có liên quan được phê duyệt trên địa bàn tỉnh và đảm bảo đúng quy định của văn bản pháp luật hiện hành.
UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng các công việc tiếp theo.
Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích khoảng 20.100 ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển khoảng 2.100 ha, đây là khu vực vùng lõi, tập trung phát triển, trung tâm hạt nhân của Khu Du lịch Quốc gia với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn. Các khu chức năng chính, gồm: Khu công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch sinh thái rừng biển, Khu du lịch cộng đồng sinh thái làng rừng, Khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất và Khu du lịch tổng hợp Khai Long.
Điểm nhấn trong không gian Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau có mốc tọa độ quốc gia GPS 0001; cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, km 2436; bờ kè chắn sóng; biểu tượng con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi. Đặc biệt, cột cờ Hà Nội tọa lạc tại Mũi Cà Mau là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông trên dải đất hình chữ “S” hướng ra biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc; Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, được xem là cụm công trình thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Đất Mũi Cà Mau...
Tỉnh ủy Cà Mau tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm làm cơ sở triển khai quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, quy hoạch phân khu, chi tiết các khu chức năng trong Khu du lịch Quốc gia, đảm bảo đến năm 2030 đủ điều kiện công nhận Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Cà Mau định hướng phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh gắn với phát triển các loại hình du lịch khác như: du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng... Cùng với đó, tỉnh đầu tư các tour, tuyến du lịch kết nối giữa Mũi Cà Mau - Sông Đốc - Hòn Đá Bạc và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế và tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia, Rạch Giá - Cà Mau); xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau gắn với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương.