Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 5-5-2022 đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển... Để thực hiện mục tiêu này, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể Thủ đô là rất cần thiết.
Hà Nội đang phát triển thành một thành phố văn minh - hiện đại. Ảnh: Trung Hiển
6 lần điều chỉnh quy hoạch
Ngày 10-10-1954, Hà Nội được giải phóng. Nhiệm vụ quan trọng là khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội (CNXH). Giai đoạn này, dù chưa có quy hoạch nhưng diện mạo thành phố đã có nhiều đổi thay. Nhiều khu, xóm lao động được cải tạo, hàng trăm dãy nhà tập thể một tầng mọc lên ở Phúc Tân, Mai Hương, An Dương... Phía Nam, phía Tây thành phố hình thành các khu công nghiệp. Nhiều trường đại học mới được xây dựng. Các khu tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ theo mô hình tiểu khu XHCN cũng được khởi công.
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, có trụ sở các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế, vì thế, để phát triển Hà Nội xứng tầm là Thủ đô, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II (tháng 4-1961) đã ra Nghị quyết về việc “Mở rộng thành phố Hà Nội”. Theo đó, nhiều xã, thị trấn, huyện của các tỉnh Hà Đông, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên được sáp nhập vào Hà Nội. Diện tích Thủ đô tăng lên 584km2, với 91 vạn dân, gồm 4 khu phố nội thành, 4 huyện ngoại thành. Cùng năm này, “Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội” được phê duyệt với quy mô dân số 1 triệu người và phát triển đô thị rộng tới 200km2. Đồ án đã kế thừa quy hoạch trong quá khứ. Khu vực trung tâm và những khu phố xây dựng thời Pháp được gìn giữ, bổ sung các công trình mới. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mọc lên dọc phố Minh Khai, Trương Định, đường Nguyễn Trãi. Công viên Thống Nhất - khu vui chơi giải trí công cộng rộng mấy chục héc ta đã hình thành.
Năm 1974, sau một thời gian nghiên cứu, Hà Nội lại có đồ án quy hoạch mới, định hướng khu vực Hà Nội cũ với 40 vạn dân, phát triển Thủ đô ở khu vực Xuân Mai, Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Cũng từ đây, khái niệm chùm đô thị Hà Nội được hình thành, gắn kết Hà Nội với các đô thị xung quanh như Xuân Mai, Sơn Tây...
Đồ án mới bắt đầu triển khai thì miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Hà Nội được Quốc hội chọn là Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì thế cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch. Ngày 17-7-1976, Hội đồng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2000” với quy mô dân số 1,5 triệu người. Ngoại thành được xác định là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố trí các hoạt động văn hóa nghỉ ngơi, các công trình đầu mối giao thông và vành đai bảo vệ môi trường. Các thành phố vệ tinh xung quanh làm chức năng công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch, nghỉ mát như Xuân Mai, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Tam Đảo, Bắc Ninh...
Với định hướng như vậy, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI (tháng 12-1978) đã phê chuẩn đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội, cụ thể là sáp nhập một số xã, thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình (thuộc các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây) và tỉnh Vĩnh Phú (thuộc các huyện Mê Linh, Sóc Sơn) vào Hà Nội. Theo đó, Hà Nội có diện tích 2,123km2, gồm 4 khu nội thành và 12 huyện, thị xã ngoại thành, dân số là 2,5 triệu người. Nhiều khu nhà tập thể cao tầng như Thành Công, Giảng Võ, Trung Tự, Thanh Xuân... được hình thành. Nhà trẻ, nhà văn hóa, trường học mọc lên khắp thành phố. Các công trình trọng điểm như Viện Khoa học Việt Nam, Trung tâm triển lãm Giảng Võ, Ga hàng không T1 Nội Bài cũng được xây dựng.
Năm 1979, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra. Yêu cầu cấp bách đặt ra là phát triển phải gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng. Hà Nội là địa phương đi đầu trong điều chỉnh quy hoạch theo tinh thần này. Đồ án quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4-1981.
Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã chủ trương đổi mới, xóa bỏ quan liêu bao cấp. Năm 1992, quy hoạch Thủ đô được điều chỉnh cho phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần. Hà Nội xuất hiện các công trình có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế này đòi hỏi phải có quy hoạch mới để bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, khu phố cổ, phố cũ nhưng không cản trở phát triển. Tháng 6-1998, đồ án quy hoạch mới được Chính phủ phê duyệt với định hướng “phát triển nội thành cả hai bên sông Hồng với quy mô dân số nội thành đến năm 2020 dự báo khoảng 2,5 triệu người”. Quy hoạch đã tạo lập diện mạo mới cho Thủ đô. Nhiều chung cư, khu đô thị mới, hiện đại mọc lên ở Mỹ Đình, Linh Đàm, Đặng Xá... Các công trình trọng điểm quốc gia như Trung tâm hội nghị Quốc gia, sân vận động Quốc gia được xây dựng ở phía Tây thành phố. Nhiều trục đường hướng tâm, đường vành đai, đường nội đô đã xây dựng và hoàn thành. Không gian đô thị rộng và cao đã làm ngỡ ngàng nhiều người.
Theo các chuyên gia về kiến trúc - quy hoạch, do hoàn cảnh chiến tranh, Thủ đô bị bom Mỹ phá hoại, do xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, cộng với đô thị hóa nhanh, quá tải dân số, ùn tắc giao thông, úng ngập khi mưa lớn..., đồng thời quá trình thực hiện quy hoạch nảy sinh những bất cập, nhiều luật chuyên ngành khi đó chưa được thông qua là những nguyên nhân khiến từ năm 1961 đến năm 1998 Hà Nội có tới 6 lần điều chỉnh quy hoạch, mở rộng địa giới.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển khang trang, giàu đẹp. Ảnh: Trung Hiển
Sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch
Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch Thủ đô năm 1998, “tấm áo quy hoạch” Hà Nội một lần nữa trở nên chật chội. Để mở ra cơ hội phát triển và giải quyết những vướng mắc nảy sinh từ cuộc sống, ngày 29-5-2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, cụ thể là sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) vào thành phố Hà Nội, nâng diện tích Thủ đô lên 3.344km2. Việc này cũng đặt ra yêu cầu phải có quy hoạch mới. Ngày 26-7-2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050”. Mục đích của quy hoạch là xây dựng Hà Nội là thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại và Bền vững”. Các chuyên gia đã đánh giá “quy hoạch có những đột phá, đó là phát triển các đô thị vệ tinh”.
Hà Nội ngày nay đã có dáng dấp của một thành phố hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được nhiều giá trị truyền thống. Phố cổ, phố cũ và phố mới hòa vào nhau, xuất hiện thêm nhiều công trình có kiến trúc hiện đại. Trục đường Nội Bài - cầu Nhật Tân như dải lụa mềm mại nối trung tâm Thủ đô với cửa ngõ phía Bắc. Khu vực phía Đông (bờ tả sông Hồng) được đô thị hóa mạnh với quy mô, cảnh quan như các quốc gia phát triển. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện, Đồ án quy hoạch được phê duyệt năm 2011 còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể như nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được khai thác, phát huy đầy đủ; phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch...
Để hóa giải những hạn chế này, ngày 25-5-2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 129/KH-UBND nhằm triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể “Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050”. Như Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhận định: “Việc nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trước mắt và lâu dài là rất cần thiết”.
Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Đồ án quy hoạch năm 2011 được xác lập. Ngày 16-6-2023, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 700/QĐ-TTg “Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”. Văn bản này đã thống nhất phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) và 5 trục phát triển, trong đó trục không gian sông Hồng lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm phát triển theo hướng quay mặt ra sông; trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh.