Mặc dù thị trường bất động sản trong quý 3/2023 chưa khởi sắc, tuy nhiên các chuyên gia cho hay, thị trường nhà ở đang ghi nhận những tín hiệu tích cực thúc đẩy sự phục hồi, trong đó có việc hình thành quận mới, tiến độ hoàn thiện khả quan của các dự án cơ sở hạ tầng...
Nhu cầu nhà ở dài hạn tại Hà Nội vẫn sẽ ở mức cao với tỉ lệ di cư thuần dương, dân số tăng và tốc độ đô thị hóa cao (Savills). Ảnh: Thùy Chi
Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở Hà Nội quý 3/2023 của Savills cho thấy, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội trong quý tiếp tục giảm 47% theo quý và giảm 65% theo năm, xuống 1.891 căn hộ Hạng B (phân khúc căn hộ trung cấp).
Đáng chú ý, thị trường không ghi nhận thêm nguồn cung mới Hạng A (cao cấp) và Hạng C (giá rẻ) trong quý vừa qua. Số lượng căn hộ bán được đạt mức 2.100 căn, tiếp tục giảm 16% theo quý và giảm 42% theo năm.
Đối với nguồn cung phân khúc nhà thấp tầng (biệt thự/nhà liền kề), thị trường không ghi nhận thêm dự án mới, chỉ có 30 căn mới từ dự án hiện hữu tại huyện Thanh Trì. Nguồn cung mới phân khúc thấp tầng giảm 76% theo quý và giảm 94% theo năm. Số lượng căn đã bán trong quý III-2023 đạt 101 căn, giảm 5% theo quý và giảm 66% theo năm.
Do hàng tồn kho giá cao nên giá sơ cấp của tất cả các loại hình sản phẩm đều tăng. Giá sơ cấp căn hộ đạt 54 triệu đồng/m2, tăng 2% theo quý và 13% theo năm; giá biệt thự sơ cấp trung bình tăng 3% theo quý, lên 103 triệu đồng/m2 đất; giá nhà liền kề tăng 9% theo quý, lên 190 triệu đồng/m2, giá shophouse tăng 6% theo quý.
Tuy vậy, thị trường vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực mới góp phần thúc đẩy phục hồi. Trong đó có thể kể đến sự hình thành của quận mới và tiến độ hoàn thiện khả quan của các dự án cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, việc huyện Gia Lâm chuẩn bị lên quận đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Trong 9 tháng năm 2023, riêng Gia Lâm đã chiếm 31% nguồn cung căn hộ sơ cấp và 6% nguồn cung thấp tầng tại Hà Nội; 29% số lượng giao dịch căn hộ cũng được ghi nhận tại Gia Lâm.
Từ năm 2019, giá sơ cấp căn hộ tại đây đã tăng 13%, giá sơ cấp nhà thấp tầng cũng tăng trung bình 18%/năm. Dự kiến từ quý 4/2023 trở đi, Gia Lâm sẽ có thêm 8.700 căn hộ đóng góp vào nguồn cung căn hộ tương lai tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, hạ tầng cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi của thị trường bất động sản. Trong đó, thị trường nhà ở tại Gia Lâm và phía Đông Hà Nội sẽ tiếp tục được cải thiện nhờ sự phát triển của cơ sở hạ tầng như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; đường Vành đai 4 đang được triển khai sau khi hoàn thiện sẽ đem lại lợi ích cho 77 dự án hiện hữu và tương lai với 33.400 căn hộ.
Nhận định về diễn biến tiếp theo của thị trường thời gian tới, đại diện Savills Hà Nội cho rằng, nhu cầu nhà ở dài hạn tại Hà Nội vẫn sẽ ở mức cao với tỉ lệ di cư thuần dương, dân số tăng và tốc độ đô thị hóa cao.
Theo thông lệ hằng năm, vào quý 4/2023 của năm, dòng tiền từ các nguồn có khả năng sẽ được cải thiện hơn nhờ các khoản đáo hạn vào cuối năm. Điều này có thể sẽ là động lực hỗ trợ người mua đưa ra quyết định mua nhà. Đồng thời, một điểm thuận lợi nữa là mức lãi suất đã có sự điều chỉnh hợp lý, phần nào sẽ thúc đẩy quyết định mua nhà.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ rất tích cực đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, các hoạt động kinh tế nhờ đó cũng phần nào được cải thiện, hỗ trợ thị trường bất động sản thu hút được thêm dòng tiền và gia tăng lượng cầu.