Quảng Ninh: Hiện thực hóa ước mơ không còn nhà tạm, nhà dột nát

Thứ năm, 05/10/2023 16:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

“Trái ngọt” từ những chính sách hỗ trợ nhà ở đã mang lại cho người nghèo, các đối tượng chính sách ở Quảng Ninh động lực vươn lên. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hộ khó khăn, chưa đủ tiềm lực để xây lại ngôi nhà cũ kỹ của mình. Hiện thực hóa chủ đề công tác năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” mà BCH Đảng bộ tỉnh đề ra, các cấp ủy đảng trên địa bàn Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Ngày 28/11/2023, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, xác định chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân". Một trong những giải pháp mà tỉnh nhấn mạnh cần thực hiện là: Giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…

Gia đình ông Lô Đức Hùng, thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm đang tích cực xây dựng và hoàn thiện nhà mới từ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm (tháng 7/2023). Ảnh: Minh Đức

Theo rà soát của Sở Xây dựng cho thấy, tính đến hết tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có gần 300 nhà thuộc diện nhà tạm, nhà dột nát theo các tiêu chí phân loại của Bộ Xây dựng. Chủ hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là hộ người khuyết tật, neo đơn.

Sau khi rà soát, thống kê số lượng nhà ở tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh nhận diện được đây là năm quyết định để tỉnh phấn đấu hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để thực hiện thành công chủ trương này đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương tập trung các giải pháp.

Huyện Hải Hà phát động ủng hộ thực hiện chương trình an sinh xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát, tháng 6/2023. Ảnh: Hữu Việt

Trên cơ sở chỉ đạo này, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, hệ thống chính trị toàn tỉnh tham gia hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát; đồng thời, phát huy vai trò chủ thể của hộ gia đình được thụ hưởng hỗ trợ. Phương án hỗ trợ được nghiên cứu, tính toán kỹ cả về mẫu nhà, nhu cầu vật liệu xây dựng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu là bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện trong xác định đối tượng, tổ chức triển khai công việc, giám sát, kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành. Đồng thời, phát huy cao nhất vai trò của MTTQ các cấp.

Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo nhằm đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực tổ chức thành công chủ trương này.

Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh và tình hình thực tiễn, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư cấp ủy là Trưởng ban, đồng thời thành lập Tổ thẩm định có sự tham gia của các phòng, ban, đơn vị, MTTQ và các tổ chức đoàn thể tổ chức rà soát kỹ tiêu chí về nhà ở tạm, nhà ở dột nát, không phân biệt đối tượng, vùng miền, thẩm định và xét duyệt các đối tượng gặp khó khăn về nhà ở theo tiêu chí, để có đề xuất cụ thể về phương án huy động nguồn lực đảm bảo theo yêu cầu, đảm bảo việc lựa chọn công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng và trục lợi chính sách. Qua tiếp tục rà soát của các địa phương, toàn tỉnh có 441 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà đột nát.

Người dân và các tổ chức xã hội phường Bình Ngọc, TP Móng Cái hỗ trợ gia đình ông Đoàn Văn Đại tháo dỡ ngôi nhà cũ, dột nát. Ảnh: Đỗ Phương

Ngôi nhà mới gia đình ông Đoàn Văn Đại, trú tại khu 2, phường Bình Ngọc, TP Móng Cái đã vững chắc, khang trang hơn sau chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh. Ảnh: Đỗ Phương

Xác định các đối tượng này chủ yếu là những người có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không có nguồn đối ứng; do vậy phương án hỗ trợ của tỉnh được thực hiện thống nhất ở mức 80 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở (cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương từ 36-40 triệu đồng); hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở (cao hơn mức hỗ trợ của Trung ương 20 triệu đồng) đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như sự hài hòa, hợp lý và tính đặc thù của các địa bàn.

“Trái ngọt” về những ngôi nhà “3 cứng”

Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã huy động được sức mạnh to lớn trong xã hội hóa về xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh với sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm và nhân dân trên địa bàn. Tiêu biểu, tại lễ phát động của huyện Hải Hà (ngày 23/6) đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các xã, thị trấn, nhà hảo tâm trên địa bàn với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng; huyện có 34 hộ gia đình khó khăn về nhà ở, đủ điều kiện được hỗ trợ dịp này.

Hay như TP Cẩm Phả có 180 hộ hoàn cảnh khó khăn, đang phải ở nhà tạm, nhà dột nát. Địa phương đã tiếp nhận ủng hộ hơn 4,96 tỷ đồng; từ tháng 7/2023 TP Cẩm Phả đã đồng loạt triển khai công tác hỗ trợ, quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, kết thúc vào 30/9/2023.

Ông Hoàng Anh Quý (tổ 6, khu 2A, phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả) chia sẻ: Tôi rất vui mừng vì được hỗ trợ xây mới nhà ở. Nhà của gia đình tôi đã xây dựng 30 năm, xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn mỗi khi mùa mưa đến. Sau bao năm sống trong ngôi nhà dột nát, tạm bợ, được sự quan tâm của thành phố, địa phương và các đoàn thể, đợt này gia đình tôi được xây mới lại nhà ở khang trang…

Huyện Tiên Yên trao tiền hỗ trợ xây nhà cho hộ ông Nguyễn Văn Giang (phố Long Tiên, thị trấn Tiên Yên). Ảnh: Thu Chung

Còn ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hạ Long, đơn vị đi đầu trong hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho các hộ khó khăn, cho rằng: Một miếng lúc đói bằng một gói khi no, lúc người dân khó khăn còn có cộng đồng xã hội, doanh nghiệp chung tay vào để giúp người dân. Đó là động lực, xúc tác để những hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, không còn tự ti với cuộc sống của mình”. 

Được biết, đến hết ngày 30/9/2023, Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 441/441 nhà theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm nay với tổng kinh phí đã vận động hỗ trợ gần 33 tỷ đồng… trong đó, Quỹ "Vì người nghèo” các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 38 nhà với tổng kinh phí 1,775 tỷ đồng.

Không chỉ dừng ở thành quả này, tháng 7/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó có 1.450 hộ gia đình người có công trên địa bàn Quảng Ninh được hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách là 81.766,8 triệu đồng, tiến độ hoàn thành trong năm 2023.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án khu nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng, phường Hồng Hà, TP Hạ Long vào tháng 10-2022. Ảnh tư liệu

Cùng với xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quảng Ninh còn triển khai quyết liệt, có hiệu quả về phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp (KCN), nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN đã khởi công xây dựng với dự kiến hết năm 2023 này có 1.580/2.254 căn hộ của 3 dự án này hoàn thành.

Đồng thời, tỉnh có 6 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN, công nhân ngành than đang triển khai thủ tục về chấp thuận đầu tư; 2 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang nghiên cứu triển khai lập quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Trên địa bàn tỉnh còn có 9 địa điểm, dự án được đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2023 với quy mô khoảng 5.720 căn hộ.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 388/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao chỉ tiêu cho Quảng Ninh đến năm 2030 hoàn thành ít nhất 18.000 căn nhà ở xã hội (đến năm 2025 là 8.200 căn), tháng 6/2023, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch triển khai, trong đó xác định 20 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (quy mô khoảng 910.000m2 sàn, tương ứng 11.300 căn hộ) trên địa bàn và hiện các địa phương đang quyết liệt thực hiện…

Yếu tố quan trọng tạo nên được kết quả tích cực trong xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn Quảng Ninh đó chính là nhờ chủ trương rất đúng đắn, đầy giá trị nhân văn của tỉnh, đã bám sát Chủ đề công tác năm 2023: “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân” và hướng tới bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nguồn: Quangninh.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)