Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, để bảo đảm an toàn công tác phòng cháy, chữa cháy, cần phải tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy từ bước lập, thẩm duyệt thiết kế là một trong những bước rất quan trọng để bảo đảm an toàn.
Công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được các cấp, ngành quan tâm chú trọng. Ảnh minh họa
Ngày 22/9, Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) tổ chức tập huấn một số quy định mới trong lập, thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình; lập, thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy công trình xây dựng.
Hội thảo nhằm giúp cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng bảo đảm đúng quy định pháp luật, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố.
Tham dự có 350 học viên đại diện các bộ, ngành; cán bộ quản lý xây dựng, đô thị, các ban quản lý dự án chuyên ngành, tổng công ty của thành phố Hà Nội; đại diện UBND các quận, huyện, thị xã và sở xây dựng các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...
Tại buổi tập huấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, các quy định của pháp luật về xây dựng không ngừng được hoàn thiện theo hướng phân cấp quản lý, cụ thể, chi tiết, kiểm soát chặt chẽ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư.
Đặc biệt, công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo. Việc tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy từ bước lập, thẩm duyệt thiết kế là một trong những bước quan trọng để bảo đảm an toàn.
Tại buổi tập huấn, ông Bùi Văn Dưỡng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã giới thiệu một số điểm mới của Nghị định số 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 20/6/2023) liên quan đến quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đáng chú ý, là quy định lại việc phân kỳ đầu tư dự án (không phân biệt nhóm dự án); phân cấp bổ sung cho sở Xây dựng thẩm định toàn bộ dự án, thiết kế đối với dự án nhóm B, công trình cấp II trở xuống; cho phép thực hiện song song thủ tục thẩm định thiết kế với phòng cháy, chữa cháy;...
Về an toàn phòng cháy, chữa cháy, Đại úy Lê Năng Tuấn, cán bộ Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chia sẻ, đường giao thông trong dự án là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Thực tế thời gian qua, nhiều công trình xảy cháy nằm ở các ngõ sâu, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc tiếp cận chữa cháy.
Một số quy định mới đối với việc lập, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thẩm duyệt thiết kế phòng cháy, chữa cháy công trình xây dựng; hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy... đã lưu ý quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy khi lập dự án, thiết kế xây dựng mới hoặc cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của công trình.
Cụ thể, địa điểm xây dựng công trình phải bảo đảm khoảng cách an toàn về phòng cháy, chữa cháy với các công trình xung quanh. Hệ thống giao thông, bãi đỗ phục vụ cho phương tiện chữa cháy; hệ thống cấp nước chữa cháy; hệ thống báo cháy, chữa cháy và phương tiện chữa cháy khác phải bảo đảm số lượng, vị trí lắp đặt và các thông số kỹ thuật phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của công trình...