Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình điều hành kỳ họp. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 10 nội dung chủ yếu.
Đối với nội dung phạm vi, ranh giới Quy hoạch tỉnh Thái Bình bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Thái Bình và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Về mục tiêu đến năm 2030, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng... Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2030 sẽ vươn lên nhóm phát triển khá và đến năm 2050 là tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện các đột phá phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đồng thời, tập trung vào 3 khâu then chốt, như tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các trục giao thông đầu mối trong tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và chế biến phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Tỉnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thái Bình phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển. Đồng thời, mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn.
Đối với phương án phát triển mạng lưới giao thông, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hình thành 3 tuyến cao tốc, gồm: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế Thái Bình - Khu đô thị Trà Giang - thành phố Thái Bình với tuyến Vành đai 5 - Hà Nội và vùng kinh tế phía Nam Thủ đô.
Các tuyến Quốc lộ: 10, 37, 37B, 39 và 39B thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Hệ thống 5 tuyến tỉnh lộ quan trọng, xác định là trục động lực phát triển, kết nối thành phố Thái Bình với các cửa ngõ quan trọng của tỉnh (ĐT.467; ĐT.468; ĐT.454; ĐT.469; ĐT.464); 9 tuyến quy hoạch mới phục vụ kết nối nội tỉnh và 15 tuyến nâng cấp, cải tạo.
Tỉnh Thái Bình từng bước triển khai đầu tư, xây dựng một số cảng quan trọng trên sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc, sông Hóa. Bổ sung công năng các cảng chuyên dùng hiện có thành cảng tổng hợp. Từng bước đầu tư xây dựng Cảng biển Thái Bình theo Quy hoạch tổng thể. Tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông tận tải và đơn vị liên quan triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Quy hoạch.
Sau năm 2030, tỉnh sẽ đề xuất hình thành khu cụm cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ du lịch, cứu hộ cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển tỉnh Thái Bình...
Đối với phương án xây dựng vùng liên huyện, Thái Bình quy hoạch 3 vùng liên huyện, gồm: Vùng trọng điểm gồm thành phố Thái Bình và các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Kiến Xương; Vùng động lực chủ đạo gồm các huyện Thái Thụy, Tiên Hải; Vùng kinh tế ngoại biên gồm các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ. Tỉnh quy hoạch 8 vùng huyện bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển tổng thể của tỉnh, gồm: Vùng thành phố Thái Bình; Vùng huyện Vũ Thư; Vùng huyện Đông Hưng; Vùng huyện Kiến Xương; Vùng huyện Thái Thụy; Vùng huyện Tiên Hải; Vùng huyện Quỳnh Phụ; Vùng huyện Hưng Hà... Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 20/9/2023.
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình còn thông qua 9 nghị quyết quan trọng khác, như: Nghị quyết về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xử lý cấp bách tuyến đê I, xã Bình Thanh, xã Bình Định, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; Nghị quyết về chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh bổ sung cho Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; Nghị quyết về việc phê duyệt phương án sử dụng và trả nợ của ngân sách địa phương đối với phần vốn vay lại Dự án bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Đồng bằng sông Hồng thực hiện tại tỉnh Thái Bình; Nghị quyết về việc bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2023; Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh...
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành nhấn mạnh, để thực hiện tốt các nghị quyết đã thông qua nói trên, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị chức năng, căn cứ nhiệm vụ được giao tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao.
Đối với Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2023. Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức tốt hội nghị công bố quy hoạch này...