Phối hợp chặt chẽ để cung cấp nước sạch cho người dân

Thứ tư, 23/08/2023 15:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Đến nay, Hà Nội đã cung cấp nước sạch khu vực đô thị đạt 100%, nhưng khu vực nông thôn mới đạt 85%. Vì vậy, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội đang diễn ra nhằm bảo đảm việc cung cấp nước sạch cho người dân đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn.

Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội khảo sát tại Nhà máy nước mặt sông Đuống - Ảnh: Lê Hải/Hanoi.gov.vn

Thời gian qua, hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội được cử tri, đại biểu HĐND đánh giá là đổi mới hoạt động theo hướng tăng cường giám sát chuyên đề về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Trong tháng 8/2023, hoạt động giám sát chuyên đề về cung cấp nước sạch đang được Ban Đô thị của HĐND TP. Hà Nội tiến hành nhằm thúc đẩy công tác cung cấp nước sạch cho người dân đô thị và đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn.

Còn nhiều xã chưa được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung

Tại huyện Ứng Hòa, mục tiêu huyện đặt ra đến cuối năm 2023 là tỷ lệ người dân được cấp nược sạch là 45%; cuối năm 2024, có 100% người dân sẽ được cấp nước sạch. 

Còn hiện nay, tỷ lệ người dân tại huyện Ứng Hòa được dùng nước sạch thấp, hiện nay trên địa bàn huyện còn 24 xã chưa được tiếp cận nguồn nước sạch từ trạm cấp nước tập trung, có 4 trạm cấp nước sạch đều từ nguồn nước ngầm, đang hoạt động do Công ty nước sạch Hà Đông quản lý.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện và Công ty nước sạch Hà Đông đã tiến hành phát triển hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn với 5 dự án đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư là 53,906 tỷ đồng, gồm: Đường ống nước thị trấn Vân Đình; Nâng cấp, cải tạo mở rộng hệ thống cấp nước cơ sở 1 thị trấn Vân Đình; Hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Liên Bạt; Cải tạo, nâng cấp hệ thống nước thị trấn Vân Đình; Cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước xã Quảng Phú Cầu. 

Còn dự án đã được Thành phố giao nhưng chưa được triển khai trên địa bàn huyện là dự án đầu tư mạng lưới phân phối nước sạch của huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai với tổng mức đầu tư dự kiến là 4.044,60 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND Thành phố đã chấp thuận việc thỏa thuận dịch vụ cấp nước và phạm vi cấp nước trên địa bàn huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức cho Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam. Đến nay, Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam đang phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát thực tế vị trí lắp đặt hệ thống ống mạng tổng để cấp nước đến các xã trên địa bàn huyện; đồng thời, tuyên truyền đến các xã, thôn để người dân nắm được chủ trương của Thành phố. 

Về việc huyện Ứng Hòa còn 24 xã chưa được cấp nước sạch, Đoàn giám sát đề nghị các sở liên quan và huyện phối hợp để giải quyết vấn đề đấu nối mạng lưới cấp nước, tăng cường quản lý, bảo đảm chất lượng nguồn nước sạch cung cấp cho người dân. Đề nghị 2 Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam và Công ty Nước sạch Hà Đông phối hợp chặt chẽ để cung cấp đủ mạng lưới nước sạch cho các hộ dân theo mục tiêu đã đề ra. 

Đối với huyện Thường Tín, huyện mới có 8/29 xã, thị trấn đã được cấp nước sạch, chiếm 16% dân số toàn huyện; 21 xã còn lại chưa được cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước sạch tập trung của Thành phố.

Trên địa bàn huyện có 2 trạm cấp nước đang khai thác vận hành và 1 dự án đang nghiên cứu đầu tư. Trạm cấp nước sạch thị trấn Thường Tín hiện do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng VIETCOM quản lý, sử dụng nguồn nước ngầm, cấp nước cho các xã Văn Bình, Văn Phú và thị trấn Thường Tín, có công suất 4.920m3/ngày - đêm, đang phục vụ cấp nước cho khoảng 5.820 hộ.

Trạm cấp nước nông thôn do Sở NN&PTNT Hà Nội là chủ đầu tư và hiện vẫn đang quản lý, vận hành khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm, cấp nước cho 5 xã: Liên Phương, Hà Hồi, Vân Tảo, Hồng Vân và Thư Phú, có công suất 4.900m3/ngày - đêm, đang phục vụ cấp nước cho khoảng 3.690 hộ.

Hiện nay, Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch huyện Thường Tín được triển khai trên địa bàn 21 xã có tổng mức đầu tư khoảng 1.239 tỷ đồng, đang được Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện theo 2 giai đoạn, dự kiến từ năm 2023 đến 2025. Tuy nhiên, dự án đang chậm triển khai, dẫn đến việc mở rộng cấp nước sạch cho 21 xã còn lại chậm.

Đoàn giám sát đã đề nghị huyện Thường Tín phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đang nghiên cứu trên địa bàn huyện sớm đưa nước sạch về phục vụ nhân dân khu vực. Trong lúc triển khai dự án nước sạch cho 21 xã, bên cạnh huyện Thường Tín thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội phải phối hợp để có sự đồng bộ trong triển khai dự án.

Từng bước giảm sản lượng nước ngầm

Hiện nay, Hà Nội đang có 3 nhà máy cung cấp nước ngầm, cụ thể, nhà máy nước mặt sông Đuống đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất thiết kế đạt sản lượng 300.000 m3/ngày đêm, đã thực hiện cấp nước từ đầu năm 2019. Giai đoạn từ năm 2025 -2030, Nhà đầu tư sẽ tiếp tục nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm.

Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà đã triển khai cấp nước giai đoạn 1 với sản lượng đạt 300.000 m3/ngày đêm. Nhà máy đang tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 2 bổ sung đường ống truyền tải từ Hòa Bình về Hà Nội, dự kiến năm 2025 nâng công suất từ 300.000 lên 600.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 nâng công suất lên 900.000 m3/ngày đêm.

Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng được UBND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2015, có công suất phân kỳ I là 150.000 m3/ngày đêm, phân kỳ II là 300.000 m3/ngày đêm cấp nước cho dân cư khu vực phía Tây Hà Nội.

Đến hết năm 2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm và sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm.

Trong cuộc giám sát của HĐND TP. Hà Nội tại Nhà máy nước mặt sông Đuống, đơn vị cho biết, nhà máy nước mặt sông Đuống hiện thay thế các nguồn nước ngầm, hiện đang cung cấp nước sạch ổn định cho khoảng 3 triệu người dân Thủ đô và vùng lân cận, giải quyết được tình trạng thiếu hụt nước sinh hoạt cho Thủ đô.

Nhà máy hiện thực hiện cấp nước bổ sung nguồn cấp nước sạch cho khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội gồm các quận, huyện: Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, các khu đô thị và công nghiệp trên đường 179; khu vực trung tâm và phía Nam Hà Nội (bao gồm quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, huyện Thanh Trì, Thường Tín) và vùng phụ cận là tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Theo lãnh đạo đơn vị, trong 4 năm đi vào vận hành, sản xuất, kinh doanh Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống chỉ được tạm thanh toán theo mức 5.069,76 đồng/m3, thấp hơn rất nhiều so với chi phí giá thành sản xuất của doanh nghiệp. Tháng 9/2022, giá bán buôn nước sạch sinh hoạt của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống được UBND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên việc thanh toán khoản chênh lệch vẫn chưa được tháo gỡ và hướng dẫn thực hiện để giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, Đoàn giám sát đã yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ các vấn đề về quyết toán giá trị chênh lệch giá tạm thanh toán và giá bán buôn nước sạch được duyệt. Ban Đô thị HĐND thành phố cho biết sẽ đề nghị Sở Xây dựng rà soát toàn bộ quy hoạch, tham mưu điều chỉnh quy hoạch cấp nước trong quy hoạch chung Thủ đô. Đoàn giám sát của HĐND cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn bàn giao hồ sơ các dự án cấp nước sạch nông thôn cho Sở xây dựng, từng bước giảm sản lượng nước ngầm.

Theo kế hoạch, năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các địa phương: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Qua đó, tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch sẽ nâng lên đạt khoảng 90%.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)