Tương tự như thủ đô của các nước phát triển, đang phát triển trên thế giới và trong khu vực, Thủ đô Hà Nội luôn có vai trò, vị thế đặc biệt trên nhiều phương diện, mà đặc trưng nhất chính là trong lĩnh vực quy hoạch phát triển qua các thời kỳ lịch sử.
Việc có những chính sách đặc thù và sự điều chỉnh phù hợp, cần thiết sẽ giúp Thủ đô khẳng định vị thế, thực hiện tốt sứ mệnh đối với quốc gia, dân tộc.
Hà Nội đang phát triển thành một thành phố văn minh - hiện đại. Ảnh: Trung Hiển
1. Kéo dài từ thời tiền Thăng Long đến thời kỳ cận đại, những dấu tích khảo cổ học của hơn 13 thế kỷ đã cung cấp nhiều bằng chứng về các chính sách đặc thù xây dựng kinh đô xưa ở Thủ đô Hà Nội ngày nay. Ví dụ như định hình hình thái đường biên giới địa lý an toàn thích ứng thiên tai để tạo lập kết cấu đê kè đồng thời là kết cấu phòng thủ cho kinh thành Thăng Long, bao bọc không gian thành phố phát triển bền vững đến tận ngày nay. Sử sách chỉ ra rằng, việc sử dụng phương pháp Biểu Sơn Phong giúp xác định phương vị của cung thành thời nhà Lý định đô ở Thăng Long - Hà Nội. Kinh đô Thăng Long là sản phẩm của lý thuyết quy hoạch hài hòa về môi trường địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn - được người Việt kế thừa liên tục ở nhiều kinh thành trước và sau Thăng Long như Cổ Loa, Hoa Lư, Tây Đô, Lam Kinh, Gia Định và Kinh thành Huế, để lại nhiều bài học quan trọng cho hậu thế.
Như vậy, có thể thấy, chính sách quy hoạch kinh đô Thăng Long luôn thể hiện tính vượt trội, sự ưu việt nhằm đảm bảo vị thế trung tâm quyền lực chính trị tuyệt đối của đất nước.
Sau 80 năm gián đoạn dưới thời nhà Nguyễn, chính sách quy hoạch đặc thù đối với Hà Nội ngày càng được khẳng định, củng cố và bồi đắp thêm ở thời kỳ cận và hiện đại với vai trò và vị thế của một đô thị thủ đô của một nước Việt Nam hiện đại. Hà Nội hôm nay chứa đựng trong mình những khu phố mang đặc trưng riêng của từng giai đoạn phát triển từ quá khứ đến đương đại, đó là Khu phố cổ, Khu phố cũ, những khu chung cư xã hội chủ nghĩa và những khu đô thị mới hiện đại. Mỗi khu khố đều bao hàm trong đó hình thái kiến trúc, không gian cảnh quan thể hiện sự tiếp nối liên tục của những nguyên lý phát triển được chế định bằng các chính sách quy hoạch đô thị trong lịch sử đất nước - điều chỉ có ở Hà Nội.
2. Năm 2011 là dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực thể chế quy hoạch cho Hà Nội. Thủ đô, địa phương đầu tiên và duy nhất cho đến nay có sự hoàn chỉnh riêng về thể chế quy hoạch trên cả phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp khi vừa có Luật Thủ đô, vừa có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đó cũng là một lẽ tất yếu theo quy luật khách quan, bởi sự ra đời của mỗi luật liên quan đến quy hoạch đô thị đánh dấu hệ thống quy hoạch đô thị bước sang một giai đoạn lịch sử mới, thể hiện chủ yếu ở những thay đổi lớn trong công tác quản lý quy hoạch, lập quy hoạch và kiểm soát phát triển.
Triển khai Luật Thủ đô, các cơ quan Trung ương và Hà Nội đã ban hành 34 văn bản để quy định chi tiết 21/21 nội dung Luật giao, qua đó, tạo lập đồng bộ các công cụ pháp lý trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Việc thực hiện các chính sách đặc thù theo quy định của Luật bước đầu đã giúp ích cho thành phố Hà Nội trong việc xây dựng, quản lý quy hoạch nhằm thực hiện thống nhất theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm, được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy sự liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố thực hiện thí điểm đã được chỉnh trang sạch đẹp; nhiều dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại đang dần hiện hữu; các di sản văn hóa - lịch sử được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Thủ đô đang dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển khang trang, giàu đẹp. Ảnh: Trung Hiển
3. Tuy nhiên, qua một thập niên thi hành Luật Thủ đô, 5 nhóm mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại và điều đó đã được chỉ ra. Trong đó, đứng đầu là hạn chế về thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch. Đúng vậy, hơn 10 năm đã qua nhưng việc thực hiện quy hoạch chung về xây dựng, phát triển mô hình thành phố vệ tinh Hà Nội, các thị trấn sinh thái vẫn còn chậm chạp, gặp nhiều khó khăn; việc phân tản dân cư - giảm tải hạ tầng cho đô thị trung tâm chưa có những bước thay đổi căn bản. Kinh nghiệm thành công từ Vương quốc Anh - quê hương của mô hình thành phố vườn - thành phố vệ tinh, cho thấy việc giao quyền cho các thành phố trực thuộc là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của các đô thị vệ tinh xung quanh London. Hiệu quả của việc này không chỉ góp phần bảo tồn, giảm tải, bảo vệ thủ đô London cổ kính mà còn tạo lập nên một mạng lưới vùng đô thị hoàn chỉnh theo quy hoạch. Không chỉ có vậy, London đã trở thành một trong hai đô thị toàn cầu, cùng với New York, có vai trò là trung tâm chỉ huy trong nền kinh tế thế giới. Do vậy, ngoài sự điều chỉnh về thẩm quyền, chính sách về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và các biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị nói chung thì việc nghiên cứu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội trong tổ chức bộ máy đi đôi với giao quyền tại Luật Thủ đô điều chỉnh là điều cần thiết, nhằm thực thi hiệu quả các mục tiêu quy hoạch.
Hà Nội vẫn chưa phát triển đủ mức đáp ứng kỳ vọng về một thành phố hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đặc biệt là vai trò của một đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết Vùng Thủ đô của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có. Kinh nghiệm bước đầu từ việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 cho thấy Hà Nội có đủ quyết tâm và khả năng đảm bảo sự hiệu quả trong điều phối, liên kết phát triển vùng. Do đó, việc điều chỉnh Luật Thủ đô theo hướng giao quyền cho thành phố trong việc chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ mở ra một chương mới cho Hà Nội và toàn vùng. Thủ đô đứng trước cơ hội lớn phát triển theo mô hình thành phố toàn cầu, khi mà Hà Nội được kết nối nhiều hơn với các thành phố khác trên thế giới bằng thương mại, tài chính, hoạt động văn hóa, tuyến hàng không và không gian số... Trở thành thành phố toàn cầu là mục tiêu lớn của Hà Nội và cũng là mong ước chung đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu khi nước ta kỷ niệm 100 năm Quốc khánh 2-9.