UBND quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ triển khai dự án cải tạo vườn hoa Tao Đàn (diện tích 1.550m2). Dự án bao gồm các hạng mục lát hè, đường dạo, cây xanh, chiếu sáng, trang thiết bị đô thị.
Phối cảnh vườn hoa Tao Đàn. Ảnh: VGP
Dự án sẽ khởi công trong tháng 8/2023 và dự kiến hoàn thành tháng 11/2023.
Vườn hoa Tao Đàn nằm trên địa bàn phường Phan Chu Trinh, giao giữa phố Lý Thường Kiệt, Phan Huy Chú và Lê Thánh Tông. Trung tâm của vườn hoa là tượng đài của nhà Anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti.
Vườn hoa có vai trò kết nối không gian kiến trúc cảnh quan khu vực với các công trình quan trọng như: Trường Đại học Dược, quần thể Đại học Tổng hợp.
Qua quá trình sử dụng, một số hạng mục đã xuống cấp: Gạch bê tông giả đá lát hè màu không đồng đều, bị bong bật; các trang thiết bị đô thị chưa đồng bộ, thiếu thùng rác, ghế ngồi; thảm cỏ đơn điệu, thiếu cây tầm thấp,...
UBND quận Hoàn Kiếm đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng làm chủ đầu tư dự án cải tạo vườn hoa Tao Đàn.
Về phương án cải tạo, đơn vị tư vấn thiết kế đã cấu trúc lại vườn hoa với xuất phát điểm là tượng đài Jose Marti, các thảm cỏ có cây bóng mát, các khóm hoa.
Không gian khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi của vườn hoa được phân chia. Hè, đường dạo lát lại bằng vật liệu phù hợp với hệ cây xanh; quy hoạch, bổ sung cây xanh, thảm cỏ theo hướng trồng các dải cây tầm thấp dọc theo vỉa hè để cách ly giữa không gian vườn hoa với đường phố; trồng bổ sung các loài cây có tán cao, giải phóng tầm nhìn hướng về mặt tiền các công trình trọng điểm; đầu tư trang thiết bị đô thị đồng bộ...
Theo kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, quận Hoàn kiếm có 10 vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp tổng thể kiến trúc. Tháng 1/2023, Quận đã hoàn thành cải tạo vườn hoa Diên Hồng. Năm 2023 quận Hoàn Kiếm có kế hoạch tiếp tục thi công cải tạo các vườn hoa: Tao Đàn, Bác Cổ, Cửa Nam và nghiên cứu phương án cải tạo các vườn hoa còn lại để triển khai trong năm 2024-2025.
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 332/KH-UBND về việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, xác định cải tạo, nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận. Hoàn thành xây dựng mới 6 công viên trong giai đoạn 2021-2025: Công viên Chu Văn An; Công viên CV1; Công viên Khu Đô thị Tây Nam Hà Nội; Công viên văn hóa Kim Quy; Công viên hồ Phùng Khoang; Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, Thể thao quận Hà Đông. Đôn đốc triển khai 3 công viên, gồm: Công viên Thiên văn học, Công viên - hồ điều hòa Mai Dịch, Công viên Hữu Nghị.
Đối với 5 công viên do thành phố quản lý, có 4 công viên nằm trong Kế hoạch cải tạo nâng cấp (Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình), riêng Công viên Lê Nin đã được UBND quận Ba Đình đầu tư, nâng cấp đồng bộ từ năm 2017 và hiện chỉ duy tu sửa chữa nhỏ.
Đối với các công viên do quận, huyện, thị xã quản lý, cuối năm 2022, UBND quận Tây Hồ đã cải tạo được 3/5 điểm xung quanh Vườn hoa hồ Trúc Bạch; UBND quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành cải tạo, đưa vào sử dụng Vườn hoa Diên Hồng; UBND quận Long Biên đã khởi công cải tạo Vườn hoa Ngọc Lâm, hoàn thành vào tháng 6/2023. Ngoài ra, UBND các quận đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, dự kiến trong
UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành theo đúng kế hoạch với 9 công viên xây mới; đồng thời, đôn đốc các chủ đầu tư dự án phát triển khu đô thị sớm hoàn thành, bàn giao các công viên, vườn hoa để phục vụ người dân.
Thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các công viên để phục vụ nhân dân theo hướng tạo công viên mở, phù hợp với hiện trạng và khu vực liền kề. Đối với các dự án xã hội hóa, thành phố chỉ đạo đôn đốc nhà đầu tư hoàn thành việc đầu tư công viên, vườn hoa theo dự án đã được phê duyệt. Trong trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành việc đầu tư theo cam kết đầu tư, thành phố sẽ thực hiện thu hồi giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư khác thực hiện hoặc chuyển sang hình thức đầu tư công.
Để khuyến khích xã hội hóa, giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý công viên cây xanh, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất tập trung kêu gọi đầu tư xã hội hóa đối với những công viên chuyên đề. Đối với những công viên công cộng, công viên mở phục vụ nhân dân sẽ được xây dựng theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giảm chi phí đầu tư và chi phí duy tu, duy trì và thực hiện bằng đầu tư công.