Phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi phí lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị 22 điểm di tích quốc gia Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn
Chủ tịch UBND tỉnh vừa Quyết định phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi phí lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị 22 điểm di tích quốc gia Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn (Quyết định số 1051/QĐ-UBND, ngày 10/7/2023).
Nhà trưng bày Chiến thắng Chi Lăng
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch gồm có diện tích khoảng 2.428,83 ha, trong đó: Ranh giới lập quy hoạch 22 điểm di tích quốc gia diện tích khoảng 49,66 ha (Diện tích này sau khi đã rà soát thực tế các điểm di tích và kết hợp hồ sơ lập nhiệm vụ của 24 điểm di tích quốc gia đặc biệt). Phạm vi ranh giới 24 điểm di tích quốc gia đặc biệt và phạm vi nghiên cứu kết nối vùng không gian cảnh quan còn lại có diện tích khoảng 2.379,17 ha.
Phạm vi lập quy hoạch có diện tích khoảng 49,664 ha gồm: Cụm 08 di tích lịch sử cấp quốc gia tại thị trấn Chi Lăng: Cầu Quan Âm; Thành Lũy Kai Kinh; Lũng Ngần; Chợ Quận Công; Chùa Nái; Núi Bàn cờ; Núi Tay Ngai; Lân Ba Tài. Cụm 08 di tích lịch sử cấp quốc gia tại xã Chi Lăng: Hòn đá mổ lợn; Lò gạch cổ; Đình làng Trung; Quảng trường Đồng Đĩnh; Làng Đồn; Quán Thanh; Vực ải gốc Lý; Xóm gốc gạo. Cụm 05 di tích lịch sử cấp quốc gia tại thị trấn Đồng Mỏ: Núi Hòn Ngọc; Chùa Hang; Bến Tuần; Thành phủ Tràng Khánh; Làng Lìu và Cụm di tích lịch sử cấp quốc gia tại xã Mai Sao: Đền Hổ Lai.
Ranh giới lập quy hoạch: phía Bắc giáp xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng; phía Nam giáp xã Hòa Lạc và xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng; phía Đông giáp xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng và xã Tân Sơn, xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp xã Thượng Cường, xã Hòa Bình và xã Y Tịch, huyện Chi Lăng./.