Sáng 30/6, tại Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu đánh giá việc áp dụng Quy chuẩn Việt Nam trong Quy hoạch, công trình dân dụng, công trình công nghiệp và đề xuất sửa đổi, bổ sung, kiến nghị xây dựng Quy chuẩn địa phương”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; KS. Tống Văn Nga – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; TS. Lê Quang Hùng – Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng; PGS.TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng); Cùng đại diện Viện Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng); Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng); Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia và lãnh đạo các Sở Xây dựng Hà Nội, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Bình Dương và một số doanh nghiệp xây dựng, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Tổng hội Xây dựng Việt Nam…
Áp dụng Quy chuẩn Việt Nam còn nhiều bất cập
Phát biểu mở đầu, TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Thực hiện nhiệm vụ do Bộ Xây dựng giao, năm 2022, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã thực hiện việc khảo sát thực trạng áp dụng hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn cả nước với các đối tượng; đơn vị tư vấn, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và một số doanh nghiệp về: Mức độ áp dụng OCVN; Tính phù hợp trong các quy định của QCVN; Những khó khăn gặp phải trong quá trình áp dụng.
Kết quả khảo sát chỉ ra nhiều tồn tại bất cập như: Hầu hết các QCVN đều được các địa phương ít nhiều áp dụng, nhưng chỉ có 9/16 QCVN được sử dụng thường xuyên với tần suất 50% trở lên, một số còn lại rất ít được sử dụng. Việc áp dụng quy chuẩn vẫn còn nhiều tồn tại và vướng mắc.
Cụ thể: Quan điểm về các quy định đưa ra trong QCVN, QCVN còn giao thoa trùng lập giữa các Bộ, ngành quản lý, chưa được cập nhật thường xuyên, hoặc có cập nhập thì không đồng bộ, chưa tính đến điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế giữa các vùng miền, chưa bao trùm hết các lĩnh vực. Một số nội dung quy định trong hệ thống tiêu chuẩn lại được đưa vào nội dung quy chuẩn, dẫn đến một số quy định trong quy chuẩn trở nên cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế. QCVN được biên soạn dựa trên nhiều nguồn tài liệu của các quốc gia khác nhau nên chưa đồng bộ với hệ thống TCVN. Văn phong gây khó hiểu và một số quy định chưa phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Công tác kiểm soát và chế tài về việc thực thi QCVN thiếu chặt chẽ, dẫn đến buông lỏng và vi phạm trong các hoạt động xây dựng.
TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (phải) cùng PGS.TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) (trái) chủ trì Hội thảo.
Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quy định có thêm một loại hình quy chuẩn đó là Quy chuẩn địa phương (QCĐP). Theo quy định, QCĐP do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình đặc thù của địa phương và yêu cầu cụ thể về kiểm soát an toàn, môi trường cho phù hợp với đặc điểm địa lý, khí hậu, thủy văn và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, một số ý kiến tham luận gửi đến hội thảo đề nghị cân nhắc việc xây dựng QCĐP vì diện tích mỗi tỉnh của VN không lớn trong khi các QCVN đã bao phủ phần lớn các hoạt động xây dựng. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng một số quy định trong QCVN chỉ thích hợp áp dụng ở những thành phố lớn, đông dân, một số địa phương muốn nâng chỉ tiêu cho phù hợp với điều kiện địa phương rất cần ban hành QCĐP. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có Hà Nội ban hành được 01 QCĐP còn lại các địa phương đều gặp
“Nhằm thúc đẩy việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong các hoạt động xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm nhận diện những vấn đề còn tồn tại trong quá trình áp dụng QCVN tại các địa phương, đặc biệt trong hoạt động tư vấn và hoạt động kiểm tra, thẩm định các dự án, đồ án trong quá trình thực thi quy chuẩn, tiêu chuẩn. Từ đó, tìm ra nguyên nhân và đề xuất quan điểm phương pháp xây dựng QCVN, các nội dung cần điều chỉnh và bổ sung để hoàn thiện các QCVN hiện hành; Hội thảo cũng tiến hành thảo luận sự cần thiết phải ban hành QCĐP, nguyên nhân và những khó khăn trong quá trình xây dựng và ban hành QCĐP để đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu ban hành QCĐP phục vụ sự phát triển của địa phương" Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề cập.
Nhiều nghiên cứu, tham luận giá trị
Với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, Hội thảo đã thu hút khoảng 60 nhà khoa học tham gia với nhiều nghiên cứu, tham luận được đưa ra nhằm nâng cao cao hiệu quả việc áp dụng Quy chuẩn Việt Nam trong quy hoạch, công trình dân dụng, công nghiệp, đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu ban hành QCĐP.
TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng trình bày báo cáo.
Tiêu biểu như: ThS. Trần Thị Thanh Ý - Ban Khoa học công nghệ Tổng hội Xây dựng Việt Nam với tham luận: Tổng quan hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng công trình dân dụng và công trình công nghiệp của Việt Nam; TS. KTS. Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng: Báo cáo kết quả khảo sát việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) tại các địa phương.
PGS. TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng: Một số phương pháp luận về phương pháp biên soạn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng của một số quốc gia trên thế giới. TS. Nguyễn Trung Hòa – Phó Chủ tịch Hội Kết cấu và Công Nghệ XDVN; Nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học CN và MT (Bộ Xây dựng): Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng, một số vấn đề cần hoàn thiện; Sở Xây dựng Hà Nội: Đánh giá việc áp dụng quy chuẩn Việt Nam trong quy hoạch, công trình dân dụng, công trình công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và xây dựng Quy chuẩn địa phương.
TS. Lê Quang Hùng – Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo.
Đề xuất một số giải pháp. TS. KTS. Nguyễn Đình Toàn: Góp ý sửa đổi Thông tư 06/2022/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình; Sở xây dựng TP HCM: Đánh giá việc áp dụng quy chuẩn Việt Nam về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng; Hội Xây dựng Đà Nẵng: Tình hình thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quy hoạch công trình dân dụng, công trình công nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng - Một số nội dung kiến nghị đề xuất; Sở Xây dựng Vĩnh Phúc: Đánh giá việc áp dụng QCVN trong Quy hoạch công trình dân dụng công trình công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và định hướng xây dựng quy chuẩn địa phương.
ThS. Phan Lê Quang - Sở Xây dựng Thanh Hóa: Đánh giá việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng QCXDVN 01: 2021/BXD trong công tác lập thẩm định phê duyệt kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa; Sở xây dựng Bình Dương: Những bất cập hạn chế trong việc áp dụng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực quy hoạch công trình gia dụng công trình công nghiệp - Một số đề xuất để xây dựng quy chuẩn địa phương; GVCC. TS. Nguyễn Văn Muôn - Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam: Những cơ sở thực tiễn cần tham khảo khi sắp xếp lại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng ở Việt Nam; Ông Huỳnh Quốc Ca – Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu: Thực trạng áp dụng quy chuẩn Việt Nam trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng công trình…
Kết thúc Hội thảo, TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam giửi lời cảm ơn tới các đại biểu và các ý kiến đóng góp về Quy chuẩn xây dựng Việt Nam.
Người đứng đầu Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo đã đặt ra một số vấn đề cần điều chỉnh Quy chuẩn sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, mong muốn các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng cùng chung tay để áp dụng Quy chuẩn Việt Nam một cách hiệu quả tối đa.
KS. Tống Văn Nga – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trình bày ý kiến tại Hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.