Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua, bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ và kịp thời các chế độ chính sách, công tác chăm lo nhà ở cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được tỉnh Hậu Giang đặc biệt quan tâm.
Ông Võ Văn Đăng hoàn thiện những hạng mục cuối của căn nhà.
Thông qua nhiều hình thức vận động xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan, từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”… tỉnh Hậu Giang đã xây dựng hàng chục ngôi nhà tặng gia đình chính sách, góp phần giúp họ có cuộc sống tốt hơn.
Những mái ấm nghĩa tình
Trong căn nhà tình nghĩa, bà Phan Thị Bạch Tuyết, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy chia sẻ: Căn nhà không chỉ là nơi che mưa, che nắng mà còn là tình cảm, sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành dành cho gia đình chính sách. Bà Tuyết là con liệt sĩ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Vợ chồng bà bán tạp hóa nhỏ, ngoài ra bà còn đi làm thuê để mưu sinh.
Năm 2021, cả nhà vô cùng phấn khởi khi được địa phương vận động một doanh nghiệp hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng căn nhà tình nghĩa. Thời gian qua, gia đình đã được hưởng đầy đủ chính sách, chế độ chăm lo của Đảng, Nhà nước. Nhưng lo lắng nhất là căn nhà quá xuống cấp mà không có tiền xây lại. Đến nay, nhờ địa phương và nhà hảo tâm hỗ trợ xây mới căn nhà giúp gia đình yên tâm lao động, phát triển kinh tế.
Hôm gặp chúng tôi, ông Võ Văn Đăng, sinh năm 1951 ở ấp Tân Phú A1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp là thương binh 1/4 đang phụ các thợ xây hoàn thiện căn nhà tình nghĩa. Ông Đăng kể lại, cha và một người anh, một người em của ông đều là liệt sĩ; còn mẹ của ông được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và ông là người có trách nhiệm thờ cúng. Những năm 1997, ông được Nhà nước tặng căn nhà tình nghĩa, nhưng đến nay đã mục nát, trong khi vợ chồng ông đã lớn tuổi, không có khả năng xây lại nhà.
Nhờ chính quyền địa phương quan tâm, vận động xã hội hóa hỗ trợ căn nhà tình nghĩa trị giá 70 triệu đồng. Mấy người con của ông có gia đình riêng, cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng cũng phụ giúp bố mẹ cho nên đã xây dựng được căn nhà khang trang. Ông Đăng phấn khởi, khoe: “Sắp có nhà mới ở rồi, có nơi thờ phụng đàng hoàng. Vợ chồng tôi không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa giông”.
Theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, đến nay, từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vận động các đơn vị tài trợ, huyện Phụng Hiệp đã xây dựng mới và sửa chữa 3.136 căn nhà tình nghĩa, với tổng số tiền là 106 tỷ đồng, trong đó vận động xã hội hóa 24 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Trần Thanh Liêm, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm mà còn là tấm lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từ khi thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, Hậu Giang xây dựng, bàn giao 11.024 căn nhà tình nghĩa cho người có công, tổng kinh phí hơn 321,7 tỷ đồng; trong đó nguồn vận động xã hội hóa gần 138,3 tỷ đồng.
Tiếp tục xây dựng 1.000 căn nhà
Mặc dù có nhiều cố gắng trong chăm lo nhà ở gia đình chính sách, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vẫn còn 1.888 hộ có công và thân nhân liệt sĩ đang rất cần hỗ trợ cải thiện nhà ở; trong đó nhu cầu xây mới là 585 căn, sửa chữa, cải tạo 1.303 căn.
Thực hiện Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân của liệt sĩ.
Qua đó, Bộ Xây dựng đã dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ mức hỗ trợ đối với trường hợp xây mới là 60 triệu đồng/căn (trước đây là 40 triệu đồng/căn); sửa chữa, cải tạo là 30 triệu đồng/căn (trước đây là 20 triệu đồng/căn). Trong khi chờ chính sách mới của Trung ương ban hành, nhằm hỗ trợ kịp thời cho những trường hợp thật sự khó khăn về nhà ở, cần có nguồn kinh phí vận động xã hội hóa để tập trung, ưu tiên.
Mới đây, trong lần tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với gia đình chính sách ở huyện Phụng Hiệp, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành khẳng định: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang luôn thực hiện nhất quán chủ trương, đường lối xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với việc quan tâm, chăm lo tốt gia đình chính sách, người có công với cách mạng”.
Trước bức xúc về nhà ở của các gia đình chính sách hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh xây dựng kế hoạch vận động xã hội hóa để xây dựng 1.000 căn nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bức xúc về nhà ở; trong đó sẽ ưu tiên cho các hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang Trần Văn Chính cho biết: Từ chỉ đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát động triển khai xây dựng 1.000 căn nhà Đại đoàn kết, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng, bảo đảm đúng mục đích, ý nghĩa và có giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị có trách nhiệm vận động các nguồn lực xã hội.
Dự kiến đến tháng 7 này, khi bảo đảm đủ nguồn kinh phí từ vận động sẽ tổ chức lễ khởi công và sẽ khánh thành giao nhà cho các đối tượng trong tháng 12/2023. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập tỉnh Hậu Giang (1/1/2004 - 1/1/2024).
Việc chăm lo cho gia đình chính sách không chỉ thể hiện lòng tri ân với những người đã không tiếc xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn tiếp thêm động lực để người thân của họ ấm lòng hơn, tiếp tục ra sức cùng xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng tươi đẹp.