Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Đồng Tháp thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: VGP/Hải Minh
Tham dự buổi lễ còn có Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh Đồng Tháp.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 24/6/2022 với tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan quản lý, có tổng vốn đầu tư 3.640 tỷ đồng; dự án thành phần 2 do UBND tỉnh Tiền Giang phụ trách có tổng vốn đầu tư 2.246 tỷ đồng.
Bình đồ hướng tuyến cao tốc Cao Lãnh-An Hữu (màu đỏ). Ảnh: VGP/Hải Minh
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có tổng chiều dài tuyến khoảng 27,43 km, trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 18,2 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 9,23 km.
Điểm đầu của cao tốc giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4 km), thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km), thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Khi hoàn thiện toàn tuyến, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có 4 làn xe với tốc độ khai thác 100 km/h.
Mục tiêu của Dự án là nhằm hình thành trục ngang và từng bước hình thành mạng lưới đường cao tốc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đến thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Thanh Xuân tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh. Ảnh: VGP/Hải Minh
Sau lễ khởi công, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến thăm, động viên và tặng quà gia đình bà Thiệu Thị Xuê (mẹ liệt sĩ) cư trú tại ấp 4, xã Mỹ Long và ông Nguyễn Thanh Xuân (thương binh hạng 3/4) đang cư trú tại ấp 4, xã Mỹ Hiệp.
Tại các gia đình đến thăm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ân cần hỏi thăm sức khỏe mẹ liệt sĩ Thiệu Thị Xuê và thương binh Nguyễn Thanh Xuân, mong muốn mỗi người sống vui, sống thọ và tiếp tục là tấm gương sáng, động viên con cháu góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng phát triển quê hương, đất nước.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm, tặng quà bà Thiệu Thị Xuê (mẹ liệt sĩ) cư trú tại ấp 4, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Đồng Tháp, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VGP/Hải Minh
Cũng trong sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến thăm Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Trung tâm có chức năng vận hành, quản trị Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Đồng Tháp, hạ tầng CNTT dùng chung của tỉnh; hệ thống mạng diện rộng (WAN); hệ thống hội nghị trực tuyến; hệ thống thư điện tử nội bộ; cổng/trang thông tin điện tử toàn tỉnh; hỗ trợ xử lý sự cố an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm có nhiệm vụ tham gia xây dựng, triển khai các chính sách về chuyển đổi số tỉnh; vận hành các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung toàn tỉnh; tiếp nhận, phát triển các ứng dụng dùng chung; thực hiện dịch vụ tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, họp báo, triển lãm, phổ biến, tuyên truyền chính sách của ngành…
Trung tâm giám sát, điều hành 18 lĩnh vực thuộc 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại tỉnh Đồng Tháp.
Về chính quyền số, Trung tâm hiện vận hành hệ thống camera thông minh về an ninh và giao thông với các tính năng như phát hiện vi phạm giao thông, tìm kiếm xe theo biển số, truy vết, nhận diện khuôn mặt, báo khói, rác; giám sát tình hình giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; giám sát, vận hành phần mềm quản lý văn bản và điều hành…
Về kinh tế số, Trung tâm giám sát các chỉ tiêu quản lý nhà nước về văn hóa – thể thao; giám sát tình hình hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội; giám sát tình hình giải quyết, xử lý phản ánh kiến nghị…
Về xã hội số, Trung tâm giám sát nhóm các chỉ tiêu quản lý nhà nước về du lịch; chỉ số môi trường, quan trắc môi trường: số liệu hệ thống thông tin nông nghiệp thông minh, nền tảng số nông nghiệp; đánh giá, dự báo tình hình sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh, huyện, thành phố; quản lý, đánh giá tình hình giải ngân, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; các số liệu, chỉ tiêu về đất đai…
Thời gian qua, Trung tâm đã tư vấn về chuyển đổi số cho các ngành: Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, LĐ&TBXH, Văn hóa, TT&DL, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nội vụ (đồng bộ dữ liệu cán bộ, công chức trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia).
Trung tâm cũng triển khai đào tạo tập huấn kỹ năng số, nhận thức số cho cán bộ công chức, và người dân trên địa bàn tỉnh; ứng dụng đánh giá và xếp hạng chuyển đổi số của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố.
Tỉnh Đồng Tháp kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể về việc kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, và tính hiệu quả của hệ thông dữ liệu trên quy mô toàn quốc.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả của tỉnh Đồng Tháp trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành các cấp.
Phó Thủ tướng gợi ý tỉnh Đồng Tháp tích cực chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm, mô hình hay về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước để có thể cung cấp những dịch vụ công trực tuyến cụ thể, thiết thực với người dân như cấp sổ đỏ trực tuyến tại TP. Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dâng hương tưởng nhớ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Khu di tích Lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VGP/Hải Minh
Dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến dâng hương tại Khu di tích Lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Trước Lăng mộ cụ Phó bảng, các thành viên trong đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc là thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ sinh năm Nhâm Tuất (1862) tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm Giáp Ngọ (1894), cụ đỗ Cử nhân, năm Tân Sửu (1901) đỗ Phó bảng và năm 1906 nhậm chức Thừa biện Bộ Lễ, sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê (Bình Định).
Trong thời gian làm quan, cụ tìm gặp và kết thâm giao với các nhà nho yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Vương Thúc Quý, Trương Gia Mô... Cụ luôn đứng về phía dân nghèo và truyền bá tư tưởng yêu nước, thương dân.
Sau khi từ quan, cụ đi vào các tỉnh phía nam rồi về ở tại làng Hòa An, Cao Lãnh tiếp tục truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân và bốc thuốc, chữa bệnh cho bà con. Cụ mất vào ngày 27/10 năm Kỷ Tỵ, nhằm ngày 27/11/1929, hưởng thọ 67 tuổi.
Sau ngày giải phóng, để đáp ứng nhu cầu tình cảm của nhân dân đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ, Tỉnh ủy Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp) quyết định xây dựng khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Năm 1992, Khu di tích Lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa.
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là di tích quan trọng về lịch sử văn hóa để mọi tầng lớp nhân dân địa phương và du khách thập phương đến tìm hiểu, tưởng nhớ cụ Nguyễn Sinh Sắc - một nhà nho yêu nước, người đã sinh thành và dưỡng dục vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh.