Không gian ngầm đô thị là một phần quan trọng của các khu vực đông dân cư, giúp giải quyết các vấn đề về giao thông, cấp nước và cơ sở hạ tầng thoát nước, điện, viễn thông và các hoạt động công cộng khác.
Hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 góp phần giải quyết ách tắc giao thông ở khu vực. Ảnh: VGP/Thành Nam
Hà Nội là một trong những siêu đô thị có mật độ dân cư cao, tuy nhiên không gian ngầm hầu như vẫn chưa được khai thác nên tình trạng thiếu bãi đậu xe ở khu vực trung tâm ngày càng nghiêm trọng.
Để khắc phục tình trạng này, trong quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP. Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 (được phê duyệt tháng 3/2022), Hà Nội thông qua việc xây dựng 78 bãi đậu xe ngầm ở khu vực bốn quận nội đô là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, các công trình bãi đậu xe ngầm được quy hoạch xây dựng tối đa năm tầng ngầm.
Thời gian qua, TP. Hà Nội đã lên kế hoạch đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng các bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm nhưng kế hoạch này chưa thể thực hiện vì vướng nhiều vấn đề như: Việc tính tiền sử dụng đất tại cùng một địa điểm đối với phần đất trên bề mặt và phần ngầm, cấp quyền sử dụng đất đối với công trình độc lập mà chủ sở hữu không có bề mặt, xác định quyền và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công trình ngầm, pháp luật về đất đai, đầu tư, quản lý sử dụng tài sản công chưa có quy định về việc giao, cho thuê cùng một khu đất cho hai đơn vị khác nhau...
Một thực tế khác, Hà Nội cũng đang xây dựng các tuyến đường sắt đô thị với nhiều đoạn chạy ngầm dưới lòng đất, theo đó sẽ có nhiều ga ngầm được xây dựng để phục vụ vận hành tuyến và kinh doanh thương mại sau này nhưng đến nay vẫn thiếu những quy định hướng dẫn nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, việc phê duyệt quy hoạch xây dựng nhà ga ngầm C9 của tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) thực hiện nhiều năm qua đến nay vẫn chưa xong. Nguyên nhân do quy hoạch ga C9 vướng vào vùng bảo vệ 1, vùng bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm và địa chất khu đất xây dựng.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, quản lý không gian ngầm đô thị là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm qua nhưng giữa không gian ngầm với không gian trên mặt đất hiện nay còn khác nhau rất nhiều.
Luật đất đai xác định quyền sử dụng đất là từ mặt đất trở lên, giờ sửa Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới bổ sung thêm quyền sử dụng cả không gian ngầm dưới lòng đất. Bên cạnh đó, Luật xây dựng sửa đổi năm 2020 đã quy định phải có quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hà Nội là đô thị đầu tiên trên cả nước có quy hoạch không gian ngầm đô thị được duyệt nhưng quá trình thực hiện quy hoạch này phát sinh nhiều bất cập, gây tranh cãi giữa phần không gian ngầm và không gian nổi trên mặt đất.
Nhiều chuyên gia về quy hoạch cũng khẳng định để phát triển được không gian ngầm cần có nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề liên quan vì nó liên quan tới nhiều ngành. Đầu tiên phải xác định được hiện trạng phát triển không gian ngầm ở các đô thị; tiếp đó phải xây dựng được nội dung quy hoạch không gian ngầm.
Ông Đỗ Quốc Khánh, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, sự phát triển không gian ngầm đô thị có vai trò rất lớn nhằm giảm thiểu áp lực hạ tầng, sự quá tải trong khu vực đô thị trung tâm. Việc khai thác, sử dụng hợp lý còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của đô thị nói chung.
Tuy nhiên, thực trạng sử dụng không gian ngầm đô thị tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu, chưa tương xứng cả về số lượng lẫn chất lượng với mức độ phát triển, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch không gian ngầm chưa thực sự được chú ý trong các đồ án quy hoạch đô thị (mức độ tổng hợp đường dây, ống ngầm, chưa chú trọng gắn kết khai thác không gian ngầm với không gian trên mặt đất phục vụ phát triển đô thị)…
Phải có quy hoạch thật tốt
Theo TS. KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn phát triển không gian ngầm tốt thì phải có quy hoạch thật tốt, trong đó phải nhìn nhận được các vấn đề thực tiễn thuộc về hạ tầng không gian ngầm như hệ thống giao thông, bãi đỗ xe ngầm, đường ngầm qua đường, không gian ngầm phục vụ công cộng…
Bên cạnh quy hoạch tốt và được duyệt triển khai, cần phải quản lý tốt quá trình thi công công trình, vận hành quản lý... Những phần việc này liên quan tới các quy định pháp luật, chính sách cần đồng bộ hoàn thiện.
Bên cạnh đó, vấn đề tài chính vẫn là thách thức lớn đối với phát triển không gian ngầm khi kinh phí đầu tư xây dựng lớn hơn nhiều lần so với công trình nổi trên mặt đất. Do đó, để phát triển không gian ngầm trong các đô thị, cần dành nguồn lực đầu tư thích đáng, đa dạng phương thức huy động vốn cho phát triển không gian ngầm.
Nhiều chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch cũng nhìn nhận, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm như xây dựng luật về quản lý không gian ngầm; bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các hướng dẫn luật; sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn quản lý sử dụng đất dưới lòng đất trong Luật Đất đai...
Đồng thời cân hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dụng công trình ngầm...
Có thể thấy, phát triển không gian ngầm đô thị là nhu cầu tất yếu trong quá trình đô thị hóa. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp nhằm tăng năng lực công nghệ và tài chính để thực hiện các dự án xây dựng đô thị ngầm, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.