Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Ảnh: VGP/GH
Kinh tế Thủ đô vượt khó khăn, phục hồi và tăng trưởng
Phát biểu kết luận tại hội nghị lần thứ 13, Ban chấp hành Thành ủy Hà Nội sáng 15/6, về kết quả phát triển kinh tế-xã hội giữa nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực.
Kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn và dần phục hồi, tăng trưởng bình quân 02 năm 2021-2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng đầu năm 2023 gấp khoảng 1,3 lần cả nước.
Tái cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh; dịch vụ tăng nhanh cả trong cơ cấu GRDP và cơ cấu lao động xã hội (tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GRDP có xu hướng tăng lên hàng năm: năm 2021 là 62,46%, năm 2022 là 63,22% và 06 tháng đầu năm 2023 ước đạt 65,87%). Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chú trọng; các cân đối vĩ mô được bảo đảm; đóng góp tỷ trọng lớn trong các chỉ tiêu của cả nước.
Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, quản lý đất đai có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều quy hoạch quan trọng của Thành phố, nhất là việc triển khai lập và trình các cấp có thẩm quyền về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện bài bản, đúng trình tự.
Thành phố đã phê duyệt 04 đồ án quy hoạch: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 02 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đã phê duyệt danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố; phê duyệt 01/14 nhiệm vụ và đang đẩy nhanh tiến độ 13/14 nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư...
Hà Nội không điều chỉnh các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhìn nhận và chỉ ra 10 hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và 05 nhóm hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Từ đó, đề nghị Thành phố cần tập trung ưu tiên triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại của giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tăng cường phân công, phân cấp, ủy quyền rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ địa chỉ, rõ kết quả; phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khá để có giải pháp tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá; những chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành, cần tập trung cao độ trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà 10 chương trình công tác của Thành ủy đã đề ra.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ban chấp hành Đảng bộ đã thống nhất cao không đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu dự báo khó hoàn thành, vì vậy, đề nghị các cấp, các ngành cần nêu cao quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà đã đề ra.
Hội nghị lần thứ 13, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội - Ảnh: VGP/GH
Về nhiệm vụ còn lại của năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tiếp tục cơ cấu lại kinh tế; phát triển các mô hình kinh tế mới; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số PCI, tập trung vào các chỉ số thành phần còn thấp.
Tiếp tục quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, phát huy những giá trị đạo đức, văn hoá, nhân văn của Thủ đô nghìn năm văn hiến, những đặc trưng riêng trong nếp sống truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội phù hợp với những yêu cầu của nếp sống đô thị hiện đại. Quyết liệt triển khai việc thực hiện đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa. Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 và trình cấp có thẩm quyền thông qua; đề xuất nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua theo đúng kế hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng của Thành phố, bảo đảm theo kế hoạch đề ra (Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; Các dự án đường sắt đô thị; các dự án nhà ở xã hội; Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; dự án "Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá", 08 dự án lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn đầu tư công và 03 dự án thoát nước bằng nguồn vốn xã hội hóa…).
Tăng kỷ cương, trách nhiệm trong xử lý công việc
Hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy đang dự thảo chỉ thị về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tại Hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuối năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã thảo luận, nghiêm túc chỉ ra một trong các hạn chế còn tồn tại đó là về kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị của Thành phố, việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý "bàn lùi", "không làm thì không sai", không dám tham mưu, đề xuất, thậm chí không quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền… chính những tồn tại này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.
Với quyết tâm khắc phục các hạn chế tồn tại nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu, dự thảo Chỉ thị của của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị.
Các ý kiến đều thống nhất quan điểm, sự cần thiết phải ban hành Chỉ thị nêu trên của Ban Thường vụ Thành ủy và cho rằng, ngoài tính hiệu triệu, Chỉ thị cần lượng hóa, quy định rõ để nhận diện được các biểu hiện, các hành vi vi phạm, cùng với đó là các chế tài xử lý đủ mạnh mang tính răn đe, cảnh tỉnh; đồng thời bày tỏ sự tin tưởng việc ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị sẽ tạo ra chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị về kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong xử lý công việc.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, cơ quan chủ trì tiếp thu tối đa các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chỉ thị và ban hành để sớm triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ Hà Nội.