Diễn đàn "Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên”

Thứ bẩy, 10/06/2023 16:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường, ngày 9/6/2023, Tạp chí Tài nguyên và môi trường tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2023, với chủ đề "Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên”. Đây là một trong những sự kiện quan trọng của Tạp chí Tài nguyên và môi trường hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường Thế giới năm 2023.

Tham dự Diễn đàn có ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường; đại diện một số địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường.


Nhà báo
Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Nhà báo Đào Xuân Hưng - Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và môi trường, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn Môi trường năm 2023 cho biết, ở Việt Nam hiện nay, tốc độ đô thị hoá mạnh mẽ kéo theo sự gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt, gây áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng xử lý rác thải và công tác bảo vệ môi trường.

Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và môi trường, hiện nay lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là khoảng 60.000 tấn/ngày. Trên 70% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương thức chôn lấp, trong đó chỉ 15% được chôn lấp hợp vệ sinh, nên vấn đề xử lý nước rỉ rác là một việc rất phức tạp và tốn kém. Đặc biệt là công nghệ chôn lấp hiện tại vẫn chưa thu gom được khí mê tan - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu ứng khí nhà kính.

Theo Tổng biên tập Đào Xuân Hưng, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách về quản lý về môi trường và có nhiều nỗ lực tăng cường công tác quản lý nhà nước về xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua năm 2020 và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được Chính phủ ban hành. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và môi trường đang trong quá trình dự thảo để ban hành các Thông tư về kỹ thuật phân loại chất thải sinh hoạt. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách và đầu tư xây dựng những dự án phân loại rác sinh hoạt từ đầu nguồn thải. Ông Đào Xuân Hưng cho biết, Diễn đàn là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, đưa ra các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường từ rác thải, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, sáng kiến khả thi trong xử lý chất thải sinh hoạt, biến rác trở thành tài nguyên hữu ích.

Trên cơ sở những ý kiến gợi mở của Ban tổ chức, tại Diễn đàn, các chuyên gia, diễn giả đã trình bày nhiều tham luận xoay quanh chủ đề các giải pháp biến rác thải sinh hoạt thành tài nguyên, cùng trao đổi, đề xuất nội dung chính sách để thúc đẩy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công cụ chính sách kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; trao đổi về công tác quản lý và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ thực tế các địa phương.


Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh sự cần thiết nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cũng như các giải pháp hữu hiệu nhằm biến rác thải sinh hoạt thành tài nguyên hữu ích để phục vụ các nhu cầu của đời sống con người. Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, Diễn đàn Môi trường năm 2023 là dịp quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp nhận diện và lựa chọn những công nghệ tiên tiến, hiện đại về xử lý rác thải phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050.

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với các thách thức về khủng hoảng kinh tế, cạn kiệt nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu. Để vượt qua các khủng hoảng này, một trong những giải pháp là phải sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, coi chất thải là như là một nguồn tài nguyên. Trên thế giới, các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải (reduce, reuse, recycle - 3R) được coi là những biện pháp hữu hiệu để hướng tới việc giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp, từ đó tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, giảm bớt nguy cơ môi trường. Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, 3R góp phần thực hiện kinh tế tuần hoàn - một xu hướng tất yếu đòi hỏi cấp thiết trong quá trình phát triển của thế giới hiện nay.


Toàn cảnh Diễn đàn

Kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức bày tỏ tin tưởng những nội dung trao đổi tại Diễn đàn sẽ góp phần lan tỏa Luật Bảo vệ môi trường 2020 và ý nghĩa của ngày Môi trường thế giới, đồng thời kết nối, kêu gọi các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân cùng nhau đồng hành, chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa vì môi trường xanh.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)