Thừa Thiên Huế: Xây dựng và phát triển đô thị một cách bền vững

Thứ năm, 01/06/2023 14:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Định hình cho một đô thị tương lai là bài toán rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cả tỉnh phấn đấu lên thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Với mục tiêu đó, Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã phác họa hình hài mới cho đô thị Huế, và Đồ án này được xây dựng công phu kỹ lưỡng, nhận được nhiều góp ý của lãnh đạo Trung ương, địa phương, chuyên gia… cùng với người dân tỉnh nhà.

Phát triển đô thị một cách bền vững

Ngày 19/10/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg, làm cơ sở để tỉnh tiến hành tổ chức lập, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Đồ án quy hoạch).

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thành nội dung Đồ án quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư để tham gia góp ý về Đồ án quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến các địa phương thông qua hội nghị ngày 22/3/2023, lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài tỉnh qua hội thảo vào ngày 1/4/2023.

Nhiều ý kiến của các lãnh đạo Trung ương, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam đã góp phần hoàn thiện nội dung Đồ án quy hoạch. Các ý kiến đều hướng đến việc xây dựng toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay, Đồ án quy hoạch đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Chiến lược phát triển đúng đắn là yếu tố then chốt trong quá trình hoàn thiện Đồ án quy hoạch. Chính vì vậy, tỉnh đặt ra 5 chiến lược phát triển cơ bản, đó là: Đẩy mạnh kết nối giao thông liên kết vùng, nội vùng; sắp xếp, tổ chức không gian, nâng cấp đô thị và tái cấu trúc lãnh thổ; tập trung phát triển hạ tầng cho các khu vực chức năng động lực phát triển kinh tế; hình thành không gian xanh và hệ thống thoát nước, phát triển nhà ở sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành khu vực phát triển mới về phía Tây tạo sự kết nối của hành lang kinh tế Đông - Tây và quỹ đất dự trữ cho dài hạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, Huế với tính chất là đô thị trực thuộc trung ương và vai trò là đô thị di sản, nên cần phát huy được vị thế và sự ảnh hưởng đến các đô thị lân cận thông qua các liên kết hạ tầng. Đặc biệt, cần tiếp tục bảo tồn các không gian có giá trị thay vì để áp lực phát triển làm ảnh hưởng bất lợi, đồng thời tạo dư địa mới cho hoạt động kinh tế, hoạt động văn hóa; xác lập các đặc trưng riêng cho khu vực đô thị trung tâm.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển

Ngoài ra, chất lượng hạ tầng là điểm đột phá phát triển, là cơ sở thúc đẩy đầu tư hình thành không gian xanh cho đô thị trung tâm theo dạng vành đai cho phép phát triển có kiểm soát để làm không gian giải trí, bảo tồn cho đô thị.

Liên quan đến định hướng đô thị của tỉnh, tỉnh sẽ quy hoạch theo dạng chuỗi đô thị theo trục không gian kinh tế Bắc - Nam gắn với các tuyến giao thông quốc gia như tuyến cao tốc đường bộ Bắc - Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao, Quốc lộ 1A và Quốc lộ 49 kết hợp với đường ven biển Thừa Thiên Huế; hướng phát triển không gian ưu tiên về phía đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (đô thị phía biển); hình thành rõ nét các tuyến đường vành đai của đô thị trung tâm; các tuyến đường hướng tâm kết nối với đô thị vệ tinh và các đô thị thuộc huyện.

Phát triển trên nền tảng bảo tồn các khu vực di tích, di sản văn hóa theo chiều sâu, gồm không gian di tích, công trình di tích và tổ chức hoạt động văn hóa gắn với các di tích. Khai thác chọn lọc, hài hòa, ưu tiên để làm tăng giá trị cho các khu vực cảnh quan tự nhiên của phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, đầm Lập An, các không gian du lịch biển và du lịch núi.

Định hướng phát triển không gian đô thị

Đối với mô hình thành phố, tỉnh sẽ định hướng xây dựng đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương gồm 9 đơn vị hành chính với 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện.

Đến năm 2030: Thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương gồm có 10 đơn vị hành chính: 3 quận, 1 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện. Cơ bản giữ nguyên các đô thị như giai đoạn đến 2025. Xem xét nâng cấp, phân loại đô thị Chân Mây và vùng phụ cận theo tiêu chí đô thị loại III và phấn đấu thành thành phố.

Đến năm 2045: Giữ nguyên 10 đơn vị hành chính. Tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng, thu hút dân cư để phấn đấu đưa Hương Trà trở thành quận; tiếp tục đầu tư nâng cấp khu đô thị Chân Mây. Tầm nhìn đến năm 2065 hoàn thiện, nâng cao chất lượng đô thị và các khu chức năng sau khi ổn định mô hình hành chính.

Tầm nhìn đến năm 2065, ổn định mô hình, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đô thị và các khu chức năng. Đô thị trung tâm gồm 4 quận là quận Bắc sông Hương, quận Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà. 2 thành phố là Phong Điền và Chân Mây; các đô thị Quảng Điền và Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV; các thị trấn, đô thị loại V thuộc các huyện còn lại.

Đối với định hướng phát triển đô thị Chân Mây – Lăng Cô bao gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và vùng phụ cận (bao gồm thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Trì, Lộc Bình, Giang Hải, Vinh Hiền, Vinh Hưng): quy mô đô thị Chân Mây – Lăng Cô khoảng 447 ha, phấn đấu thành thành phố sau năm 2030 đối với khu vực này...

Nguồn: Thuathienhue.gov.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)