Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.”
Nhằm chung tay vì mục tiêu chung của cả nước, trước thực trạng phát triển nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, vướng mắc, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các bộ, ngành chức năng đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Thực trạng khó khăn
Theo Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua có 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Qua khảo sát 96.000 người lao động ở 212 doanh nghiệp, có đến 64.000 lao động ở nhà trọ; trong đó 54.000 lao động có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội. Như vậy, nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân trên địa bàn khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ đáp ứng nhu cầu cho chưa đến 5% người lao động.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập đối với việc đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu ở Thành phố Hồ Chí Minh như không còn quỹ đất chưa khai thác, sử dụng để điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, các công trình phục vụ tiện ích người lao động khác ngay trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Đối với người mua nhà ở xã hội, khó khăn thường thấy vẫn là thông tin tiếp cận đến nhà ở xã hội còn hạn chế. Bản thân người mua khi tiếp cận được đã phải qua trung gian, chưa có giấy tờ, giá cả cao hơn.
Anh Lê Văn Hoàng, công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh chia sẻ: “Tôi và vợ làm công nhân 20 năm nay, cố gắng tích lũy một khoản để trông chờ vào các dự án nhà ở xã hội mà không biết thông tin ở đâu. Đến khi biết, giá nhà lại cao so với dự tính. Thủ tục mua nhà chúng tôi cũng không rành, thiếu thông tin cụ thể cũng như các ưu đãi để tiếp cận được rồi mới có kế hoạch mua. Tôi cũng như nhiều công nhân, người có thu nhập thấp đều cảm thấy mông lung….”
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Linh ở phường 15, quận Gò Vấp làm công nhân 15 năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, hai đứa con đã lớn hiện vẫn đang phải ở nhà trọ.
"Tôi mong muốn có được một căn nhà ở xã hội để thoát khỏi cảnh ở trọ. Bao nhiêu năm đi làm, tôi cũng tích cóp được một khoản, mong rằng giá nhà khoảng 1 tỷ đồng, tôi được vay thêm tiền với lãi suất ưu đãi, trả góp dần khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Như vậy tôi mới hy vọng giấc mơ có nhà thành hiện thực được!.”
Thực tế, việc triển khai nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa hấp dẫn, không thu hút. Tình trạng căn hộ cho thuê trong nhiều dự án còn để không, lãng phí, việc xác định đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội còn nhiều bất cập.
Theo các chuyên gia, phát triển nhà ở xã hội gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi. Việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nguồn vốn chưa bền vững, lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội cũng chưa thu hút nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội vẫn dao động 12-14%, đây là mức quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội. Trong khi trách nhiệm của doanh nghiệp cần phải đảm bảo tiến độ, đảm bảo giao căn hộ đúng thời gian cho người mua. Bởi sự chậm trễ của doanh nghiệp, chủ đầu tư trễ, người mua nhà vừa phải tiếp tục thuê nhà ở, vừa phải đóng lãi vay ngân hàng…
Phấn đấu vì mục tiêu chung
Trước mục tiêu cả nước có ít 1 triệu nhà ở xã hội vào năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh, đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành liên quan, ưu tiên bố trí quỹ đất sạch, quy hoạch vị trí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 là khắc phục những hạn chế trong việc phát triển nhà ở của thành phố trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư với các mức thu nhập khác nhau.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)
Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và kiến nghị Trung ương khắc phục những bất cập để thu hút nguồn lực phát triển nhà ở nói chung và nhà cho người lao động thu nhập thấp trong thời gian tới.
Để tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thành phố cần chủ động tạo quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thông qua tổ chức phát triển quỹ đất. Hoàn thiện các cơ chế thực hiện quy định về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở kinh doanh.
Tổ chức phát triển quỹ đất cần có cơ chế hoạt động của doanh nghiệp để có thể chủ động thực hiện các quyền đối với đất đai của một tổ chức kinh tế, có thể chủ động huy động vốn dưới nhiều dạng khác nhau để thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với công nhân lao động hỗ trợ tạo lập nhà ở, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thị trường.
Thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội, người thu nhập thấp ở 25 khu đất để xây dự án nhà ở thương mại, với tổng diện tích 57ha. Riêng thành phố Thủ Đức có 20 dự án, 3 dự án ở quận Bình Tân, 1 dự án ở Bình Chánh và một ở quận 7. Trong số này, 14 dự án có đất sạch đang làm thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất Bộ Xây dựng hướng dẫn cách xác định chi phí đầu tư hạ tầng và bồi thường giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư bàn giao lại quỹ đất thực hiện nhà ở xã hội bằng 20% diện tích dự án nhà ở thương mại. Bộ Xây dựng cần hướng dẫn cách xác định chi phí, cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt chi phí và cách thanh toán cho chủ đầu tư.
Đồng thời, Ủy ban Nhân dân thành phố đề xuất cho phép được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội cho các dự án nhà ở thương mại 2-10ha. Chủ đầu tư có thể thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền tương đương giá trị 20% đất của dự án, có thể xây dựng nhà ở xã hội trên 20% đất dự án hoặc có thể bàn giao quỹ nhà tương đương giá trị quỹ đất 20%.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức phát triển chỉnh trang đô thị phù hợp với tình hình thực tế. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng tăng diện tích đất thương mại dịch vụ để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê./.