Sau 4 năm tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, dù gặp không ít khó khăn, nhất là có 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, TP. Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các cam kết khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo.
Không gian sáng tạo tại phố Phúc Tân, Hà Nội. Ảnh: KTĐT
Ngày 17/6/1999, Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, ngày 30/10/2019, thành phố Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên "Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO" với mục tiêu lấy Nguồn lực văn hóa và Sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời, quyết tâm chuyển hóa cho nguồn lực ấy thành "sức mạnh mềm" văn hóa, bảo đảm thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Sau 4 năm tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo, dù gặp không ít khó khăn, nhất là có 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các cam kết khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo.
Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để thúc đẩy xây dựng Thành phố sáng tạo, tiêu biểu là Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…, đồng thời phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết với UNESCO.
Trong các năm 2019-2023 nhiều sự kiện đã được TP. Hà Nội phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình, đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống.
Trong đó có các cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: "Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội", "Thiết kế Km số 0", "Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An"…
Phát triển không gian các tuyến phố đi bộ, các không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn TP. Nếu như thời điểm nộp hồ sơ ứng cử năm 2019 Hà Nội mới chỉ có 2 Không gian tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn thì đến nay đã phát triển thêm 4 không gian khác…
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart đánh giá, trong 4 năm tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, TP. Hà Nội đã triển khai các chính sách, hoạt động liên tục, mang tính thực chất. Những hoạt động, kết quả đã đạt được dựa trên sự phát triển bền vững của nền tảng di sản và huy động tham gia của các tổ, chức cá nhân vào việc xây dựng Thành phố sáng tạo. Đặc biệt trong ngành lĩnh vực công nghiệp văn hoá, TP. Hà Nội đã có những cách triển khai, tiếp cận liên ngành, thu hút được sự tham gia của Sở ngành, qua đó để tạo ra những đổi mới tích cực.
Bên cạnh những mặt đã đạt được, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề xuất, TP. Hà Nội cần ra soát tổng thể, kỹ càng các hoạt động sáng tạo. Từ đó lượng hoá, củng cố, mở rộng, kết nối các ý tưởng sáng tạo, chuyển hoá thành các dự án, sản phẩm sáng tạo.
Dự kiến, đến tháng 11/2023, TP. Hà Nội cần hoàn thành Báo cáo giám sát tư cách thành viên định kỳ lần thứ nhất. Nội dung báo cáo xoay quanh những việc Thành phố đã triển khai, nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của Thành phố khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Trên cơ sở những phần việc đã triển khai, từ nay đến cuối năm 2023, Thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động kết nối, xây dựng Thành phố sáng tạo, như: Kiện toàn Ban điều phối, Ban chỉ đạo; xây dựng Đề án Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Trung tâm Công nghiệp văn hóa Hà Nội; tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo khu vực Đông Nam Á; tham gia các hội nghị, diễn đàn Thành phố sáng tạo toàn cầu và khu vực; đẩy mạnh công tác truyền thông; củng cố các không gian sáng tạo trên địa bàn…
Từ nay đến khi thực hiện báo cáo không còn nhiều thời gian, do đó, thành phố phải "tăng tốc" triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện các cam kết với UNESCO.