Sáng ngày 21/3/2023, các đồng chí Lê Quang Tùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Văn Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì hội nghị Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 để cho ý về một số nội dung quan trọng.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các đồng chí Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, đại diện lãnh đạo các Vụ địa phương tại Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nêu một số vấn đề có tính chất gợi mở, đặc biệt là về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hội nghị thảo luận, xem xét, quyết định. Đồng chí nhấn mạnh: Xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Với quan điểm một bản quy hoạch tỉnh tốt sẽ là nền tảng, là kim chỉ nam cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong tương lai; là cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh; chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các đơn vị tư vấn khẩn trương nghiên cứu xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến từ giai đoạn đầu kỳ đến giữa kỳ, cuối kỳ; chỉ đạo cụ thể các nội dung liên quan đến định hướng phát triển của tỉnh và các nội dung cụ thể trong dự thảo đề án quy hoạch…
Các đồng chí chủ trì hội nghị
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy, muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển. Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác.
Các đại biểu tham dự hội nghị
“Đây là việc chúng ta lần đầu triển khai thực hiện, là nhiệm vụ mới, rất quan trọng và nhiều khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng đây cũng là một cơ hội rất lớn để chúng ta đánh giá lại hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển của tỉnh một cách thực chất, tổng thể, qua đó cụ thể hóa đường hướng phát triển tỉnh; định hình không gian phát triển, lộ trình phát triển và nguồn lực phát triển của tỉnh…”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng nhấn mạnh.
Trước khi các đại biểu tham gia thảo luận và cho ý kiến, thay mặt Ban cán sự UBND tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã báo cáo tóm tắt Quá trình lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quá trình lấy ý kiến lập Quy hoạch tỉnh; Hợp tác với Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE GLOBAL) tham gia phản biện Quy hoạch tỉnh; Hợp tác với Tập đoàn Sakae Holding (Singapore) về xây dựng “Ý tưởng Quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cùng một số nội dung liên quan.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã tham gia nhiều ý kiến đối với các vùng động lực phát triển, định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh; định hướng tổ chức không gian theo vùng, định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; định hướng phát triển kinh tế biển; định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới của tỉnh; định hướng phát triển của các địa phương…
Cho ý kiến tại hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy Đông Hà Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, khi tính toán phát triển hệ thống đô thị không nên tính trong địa giới hành chính mà phải tính toán tạo sự liên kết giữa các đô thị tạo thành chuỗi đô thị cùng cộng sinh phát triển. Diện tích thành phố Đông Hà quá nhỏ để phát triển. Diện tích 73km2 trong lúc đất xây dựng đô thị khoảng 50 km2. Nên tính toán mở rộng không gian đô thị ở các xã lân cận đến năm 2030 và tính toán mở rộng địa giới hành chính cho giai đoạn sau. Hiện nay thành phố Đông Hà cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại II nên định hướng đến năm 2050 phải đạt một số tiêu chí của đô thị loại I…
Dự kiến trong phiên làm việc chiều nay, hội nghị sẽ tiến hành thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; 3 chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về Nhà nước pháp quyền, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.