Các đại biểu dự hội nghị.
Tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022 tổng kế hoạch vốn đầu tư công do tỉnh quản lý (không gồm vốn sự nghiệp) là 11.472,6 tỷ đồng. Giá trị khối lượng thực hiện đến 31/12/2022 đạt 10.215,6 tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch; giá trị giải ngân đến 31/01/2023 đạt 9.770,4 tỷ đồng, bằng 85,2% kế hoạch.
Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư 72 dự án khu đô thị, khu dân cư. Đồng thời, triển khai 9 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), với tổng vốn đầu tư các dự án là 3.402 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 145 dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư và phê duyệt kết quả lựa chọn chủ đầu tư; 12 dự án nhà ở xã hội và 8 dự án nhà ở thương mại. Đến ngày 31/12/2022, tổng nợ đọng XDCB của tỉnh là 117,6 tỷ đồng, giảm 47 tỷ đồng so với năm 2021…
Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Thạo phát biểu tại hội nghị.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung phân tích những tồn tại, khó khăn trong công tác triển khai thi công các công trình dự án. Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Nguyễn Văn Thạo cho rằng, bên cạnh nhiều công trình do Ban làm chủ đầu tư hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra như Dự án xây dựng cầu Như Nguyệt và Dự án xây dựng câu Đông Việt, vẫn còn một số công trình chậm tiến độ, nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Nguyên nhân các dự án chậm tiến độ chủ yếu do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), do đó tiến độ giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án chậm hơn so với kế hoạch tổ chức thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Thạo đề nghị UBND các huyện, thành phố sớm đẩy mạnh triển khai các giải pháp, giải quyết dứt điểm công tác GPMB các dự án để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công. Đồng thời cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đang thực hiện thí điểm tách bồi thường GPMB ra khỏi dự án đầu tư công nhóm B thành các dự án độc lập. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, xem xét áp dụng trên địa bàn tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án…
Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang Đặng Đình Hoan phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn đến công tác bồi thường GPMB một số dự án trên địa bàn thành phố bị chậm tiến độ.
Là địa phương triển khai nhiều dự án, Chủ tịch UBND TP. Bắc Giang Đặng Đình Hoan cho biết, năm 2023, thành phố đang triển khai 186 công trình, dự án với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đến nay khối lượng công việc đạt được khoảng 10%. TP. Bắc Giang coi công tác bồi thường GPMB là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai các dự án, tuy nhiên công tác bồi thường GPMB trên địa bàn thành phố vẫn bị chậm tiến độ do việc di chuyển các lăng, mộ gặp nhiều khó khăn, một số không quy chủ được. Có thửa đất chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có hồ sơ; nhiều ruộng bờ thửa không còn khiến việc cưỡng chế, bảo vệ thi công gặp trở ngại.
Về khó khăn trong công tác thi công dự án, lãnh đạo Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật và Kiến trúc công trình giao thông (A-ETC) kiến nghị, thời gian tới, UBND tỉnh ngoài việc tổ chức các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc, tỉnh cần tổ chức thêm các cuộc thi mang tính sáng tạo khác như: Giải pháp kỹ thuật tối ưu, thi phương án có tổng mức đầu tư tốt nhất...
Ngoài ra, lãnh đạo một số đơn vị, chủ đầu tư trao đổi đưa ra nhiều kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần tập trung táo gỡ trong thời gian tới như: Vấn đề xây dựng đơn giá vật liệu xây dựng, việc đấu nối xin cấp phép xây dựng, công tác đo đạc bản đồ theo quy mô dự án…
Giải đáp về một số kiến nghị thuộc thẩm quyền, Giám đốc Sở Xây dựng Vương Tuấn Nghĩa cho rằng, hiện nay chất lượng tư vấn dự án còn hạn chế. Vì vậy, có dự án lập báo cáo khả thi kéo dài 6 tháng, báo cáo kinh tế kỹ thuật 3 tháng, điều này ảnh hưởng chung đến quá trình thực hiện. Về công bố giá vật liệu xây dựng, Sở yêu cầu các doanh nghiệp có kiến nghị, đề xuất gửi về Sở trước ngày 25 hằng tháng để tổng hợp, nghiên cứu, xem xét điều chỉnh đảm bảo phù hợp, đúng quy định. Đồng chí cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án khi được phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích phát biểu kết luận hội nghị.
Lựa chọn đầu tư dự án trọng điểm, không để xảy ra nợ đọng
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích nhấn mạnh, năm 2022 tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, các địa phương phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mới, giá cả hàng hóa, vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, nhất là giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nói chung và hoạt động đầu tư xây dựng nói riêng, trong khi đó áp lực giải ngân vốn đầu tư công rất lớn.
Trong bối cảnh đó, nhờ bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, với sự quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, chủ đầu tư và đơn vị trực tiếp sử dụng vốn đầu tư công, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác đầu tư và xây dựng, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục có nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư mới, dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, nônng nghiệp, các dự án phát triển nhà ở được triển khai; vốn đầu tư công cho XDCB toàn tỉnh khoảng 10 nghìn tỷ đồng. Do vậy, công tác quản lý, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB năm 2023 khối lượng công việc rất lớn.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp đầy đủ, chính xác những tồn tại, khó khăn và những bất cập các dự án đang triển khai gặp phải. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương xem xét từng vấn đề giải quyết, điều chỉnh cho phù hợp với quy định, đảm bảo tiến độ thi công các dự án. Trước những khó khăn về vốn đầu tư dự án, đồng chí đề nghị các ngành, địa phương quan tâm rà soát nguồn vốn, lựa chọn đầu tư dự án trọng điểm, không để xảy ra nợ đọng XDCB.
Về việc công bố giá vật liệu xây dựng, đồng chí giao Sở Xây dựng nắm bắt thực tế, có thể tổ chức hội nghị mời các nhà thầu, doanh nghiệp, đánh giá lại tình hình.
Đối với vướng mắc khi thực hiện dự án về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng chí cho biết tỉnh sẽ chỉ đạo sở, ngành liên quan sớm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm. Các chủ đầu tư cần phối hợp khi thực hiện quy trình chuyển mục đích sử dụng đất, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Về công tác GPMB, các địa phương tổng hợp tất cả các dự án trọng tâm, trọng điểm đánh giá rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời tháo gỡ. Các đơn vị tư vấn cần tập trung tư vấn cho chủ đầu tư vừa đảm bảo quy hoạch, vừa phù hợp với nguồn kinh phí dự án./.