Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thể chế phát triển để phát huy vai trò của Thủ đô là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước.
Lãnh đạo TP. Hà Nội tham quan khu vực giới thiệu sản phẩm bên lề Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW. Ảnh: VGP/TL
Mới đây, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hà Nội đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án thuộc các lĩnh vực thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Con số này cho thấy sức hút, cơ hội đầu tư kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thành phố cũng đang khẩn trương triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2027; chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 5 trước năm 2030… nhằm hình thành hệ thống giao thông hiện đại, bảo đảm sự kết nối và phát triển giữa các địa phương.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm của Vùng đồng bằng sông Hồng, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Thành phố giữ vai trò chủ đạo về phát triển kinh tế của vùng, có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 43% quy mô GRDP Vùng đồng bằng sông Hồng và 16,2% GDP bình quân cả nước.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, nhận thức được vai trò, trọng trách của mình, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 23 ngày 3/2/2023 về triển khai Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Hà Nội phấn đấu phát triển kinh tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5 đến 8%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; giai đoạn 2026-2030 tăng từ 8 đến 8,5%/năm; GRDP bình quân đạt 12.000 đến 13.000USD/người/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Nội là Thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao với GRDP/người đạt khoảng 36.000USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Để đạt mục tiêu này, Hà Nội sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung phát triển hạ tầng dịch vụ thông minh, những ngành có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistic; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; hình thành một số trung tâm mua sắm, trao đổi hàng hóa, dịch vụ hàng đầu của cả nước và khu vực; áp dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch và thanh toán.
Phát triển công nghiệp Thủ đô theo hướng công nghệ cao, hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng phát thải các bon thấp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên. Phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô theo định hướng nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Thành phố Hà Nội cũng phấn đấu phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội, xứng tầm với truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa của cả nước. Hà Nội xác định công nghiệp văn hóa trở thành động lực, nguồn lực mới cho quá trình phát triển Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng. Phấn đấu tỷ trọng ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP đến năm 2025 đạt 5%, năm 2030 đạt khoảng 8%.
Thành phố sẽ phát triển đô thị, hạ tầng đồng bộ theo hướng đẩy mạnh liên kết vùng, đưa Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía bắc và cả nước.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thể chế phát triển để phát huy vai trò của Thủ đô là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đang xây dựng đồng thời Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để tạo đột phá về thể chế, chính sách phát triển Thủ đô, tạo động lực phát triển của vùng, đồng thời là một trong hai cực tăng trưởng của cả nước theo định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia mới được Quốc hội thông qua.
"Thành phố Hà Nội quyết tâm cùng các tỉnh, thành phố trong Vùng thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ với mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; động lực thúc đẩy phát triển Vùng và cả nước", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.