Lộ trình thực hiện đề án của tỉnh Bình Dương được tính toán qua từng địa phương và bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy khỏi khu dân cư.
Một góc Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP1), thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Theo đề án của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương về thực hiện di dời các nhà máy, doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp nằm trong khu dân cư sẽ di dời vào khu, cụm công nghiệp trong những năm tới.
Lộ trình thực hiện đề án của tỉnh Bình Dương được tính toán qua từng địa phương và bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030, với mục tiêu di dời khoảng 2.900 doanh nghiệp và nhà máy ra khỏi khu dân cư.
Cụ thể, thành phố Dĩ An lên kế hoạch di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thành phố Thủ Dầu Một triển khai di dời từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2030; thành phố Thuận An di dời đến hết tháng 12/2028; thị xã Tân Uyên di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2029 và thị xã Bến Cát di dời từ tháng 1/2024 đến 12/2030.
Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho hay số lượng doanh nghiệp phải thực hiện di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là rất lớn, chiếm 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Trong số đó, chủ yếu tập trung ở thành phố phía Nam của tỉnh gồm thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và thị xã Tân Uyên với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, da giày, đồ gốm sứ… Do đó, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, cháy, nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh.
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, việc di dời các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ra khỏi khu dân cư, đưa vào hoạt động trong khu công nghiệp tập trung là chủ trương rất lớn của tỉnh Bình Dương. Qua đó, tỉnh đang khảo sát, lên kế hoạch từng bước, từng địa phương trong quá trình thực hiện di dời nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như giải quyết các vướng mắc cho các doanh nghiệp nằm trong diện di dời.
Mục đích của di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư tại các địa phương ở phía Nam như thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An để chuyển đổi các mô hình phát triển dịch vụ, cải tạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, hiện các chủ doanh nghiệp nằm trong diện sẽ bị di dời đã có nhiều băn khoăn rất lớn. Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương Vương Siêu Tín cho biết hiệp hội gốm sứ của tỉnh có đến 60 doanh nghiệp hoạt động sản xuất lâu đời nằm trong khu dân cư, tập trung quy mô nhất trên địa bàn thành phố Thuận An.
Do hoạt động sản xuất mang tính đặc thù gắn với dân cư, làng xóm có nguồn nhân công có tay nghề và yêu nghề gốm sứ truyền thống từ bao đời nay. Do đó, việc buộc doanh nghiệp di dời vào khu công nghiệp nằm xa khu dân cư và thuộc một địa phương khác vô hình chung gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đang gặp suy thoái.
Ông Vương Siêu Tín đề nghị tỉnh Bình Dương cần quan tâm và có giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp nếu có di dời phải có phương án cụ thể nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất trước; đồng thời nếu có di dời phải có chính sách thỏa đáng hỗ trợ trong việc chuyển đổi công năng sử dụng đất sau khi di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư tránh thiệt hại kép cho doanh nghiệp.
Công nhân làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam trong Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có nhà máy nằm trong khu dân cư thuộc diện di dời cũng lên tiếng đề nghị tỉnh phải có thông tin cụ thể về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong di dời; qua đó giúp doanh nghiệp lên kế hoạch và chủ động phương án nếu buộc dời nhà máy ra khỏi khu dân cư.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết đề án di dời các doanh nghiệp trong khu dân cư là một chủ trương lớn của tỉnh; chương trình kế hoạch di dời đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ thông báo trước để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
"Sở cũng sẽ rà soát lại các khu, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp cho doanh nghiệp di dời phù hợp nơi cơ sở sản xuất cũng như chuyển đổi công năng sản xuất. Về phương án, sở cũng sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh quy hoạch một cụm công nghiệp kiểu mẫu để thí điểm các mô hình nhà máy di dời phát huy hiệu quả, sau đó triển khai đại trà trong thời gian tới," ông Toàn cho hay.
Mới đây, tại buổi đối thoạt với các doanh nghiệp đầu Xuân Quý Mão, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh tầm phát triển trong những năm tới của tỉnh là ưu tiến phát triển có chất lượng, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương và vùng đổi mới sáng tạo trở thành cực phát triển mới, phù hợp với xu hướng của quốc tế.
Qua đó, để đảm bảo tính bền vững và khả thi trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đang thực hiện di dời và tái định cư các doanh nghiệp sản xuất vào các khu vực quy hoạch để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu, cụm ngành liên kết, tránh các vùng đô thị tập trung và giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường. Trong số đó, tập trung di dời các cơ sở sản xuất tại khu vực phía Nam quanh các đô thị lên khu vực phía Bắc.
Hoàn thành đề án này có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giúp sắp xếp lại không gian phát triển mới, khắc phục các hạn chế, và khai thác tốt tiềm năng đất đai phục vụ vào các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới của tỉnh./.