Tỉnh Cao Bằng đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc từ năm 2017. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, kết quả rất hạn chế, chưa có nhiều công trình được thực hiện để thu hút khách du lịch.
Thác Bản Giốc gồm nhiều các tầng thác nhỏ gộp lại. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Theo quy hoạch chung được phê duyệt, đến năm 2030, khu vực xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng dự kiến được nâng cấp thành đô thị loại V khu vực biên giới. Mục tiêu là phát triển khu du lịch thác Bản Giốc thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và của quốc gia.
Tuy nhiên, các mục tiêu này đang gặp khó khăn khi mức đầu tư từ ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch thác Bản Giốc còn rất thiếu. Theo quy hoạch, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu du lịch là trên 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-2022, UBND tỉnh Cao Bằng chỉ bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương trên 83 tỷ đồng thực hiện 7 dự án trong khu du lịch thác Bản Giốc.
Cùng với đó, việc thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển khu du lịch thác Bản Giốc từ nguồn vốn xã hội hóa, vốn nhà đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Nguyên nhân là do hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực chưa được đầu tư; thiếu quỹ đất sạch để thực hiện dự án; định hướng quy hoạch các công trình thương mại dịch vụ và công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chưa hấp dẫn, không đủ sức thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Một nguyên nhân nữa là, một số hạng mục tại khu vực phải thực hiện điều chỉnh phương án quy hoạch, phương án thiết kế so với nội dung Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đảm bảo tuân thủ Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) và các biên bản đàm phán ký kết giữa hai bên.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn tới các dự án trong khu vực chưa được triển khai do thiếu nhân lực thực hiện, lượng khách du lịch sụt giảm, dẫn tới giảm thu ngân sách từ hoạt động du lịch.
Ngoài ra, theo quy hoạch chung được phê duyệt năm 2017, một số khu chức năng đã bố trí nhưng quy mô chưa đáp ứng yêu cầu như, chưa tạo lập được khu tái định cư tập trung để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; thiếu bến bãi đỗ xe…
Ông Đoàn Quốc Chính, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng cho biết, để đẩy nhanh các dự án phát triển trong khu du lịch thác Bản Giốc, tỉnh sớm hoàn thiện đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai công tác quản lý và đầu tư, xây dựng theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh nhanh chóng thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch Khu du lịch thác Bản Giốc với quy mô điều chỉnh khoảng 1.000 ha; hoàn thiện các thủ tục xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về thực hiện điều chỉnh Quy hoạch khu du lịch thác Bản Giốc
Đồng thời, UBND tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục có phương án bố trí, cân đối ngân sách nhà nước để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc sau khi quy hoạch được điều chỉnh, phê duyệt; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá và kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu du lịch thác Bản Giốc từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách…