Thực hiện chủ trương của Chính phủ và của tỉnh về tăng cường sử dụng vật liệu thay thế để sản xuất Clinker, xi măng, các doanh nghiệp sản xuất đã đẩy mạnh việc đổi mới quy trình công nghệ xử lý rác thải, xóa bỏ dần việc chôn lấp, đầu tư công nghệ lò đốt rác tạo nhiệt cho quá trình sản xuất để thay thế một phần cho nhiên liệu than. Qua đó, góp phần biến rác thải thành hàng hóa trong nền kinh tế tuần hoàn, mang lại lợi ích kinh tế cho các đơn vị sản xuất và bảo vệ môi trường bền vững.
Khu vực sản xuất của Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh.
Công ty xi măng Vicem Hạ Long là một trong những đơn vị đã thực hiện hiệu quả việc tận dụng rác thải làm chất đốt để sử dụng trong quá trình sản xuất. Từ năm 2021, Công ty đã thực hiện triển khai thí điểm việc sử dụng rác thải, như: Vải, giấy, nhựa, giầy dép được đơn vị thu gom từ một số nhà máy, khu tập kết rác trên địa bàn để đưa vào lò đốt. Với cách làm này, không chỉ giúp thu gom lượng lớn rác thải công nghiệp, sinh hoạt, giảm ô nhiễm môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp chủ động được một phần nhiên liệu, nhất là trong thời điểm nguồn than cung cấp gặp nhiều khó khăn. Tính riêng trong năm 2022, Vicem Hạ Long đã sử dụng khoảng trên 7.000 tấn rác để làm chất đốt. Qua đó, đã góp phần thay thế được khoảng 4-5% nhiên liệu than đốt trong sản xuất, giúp cho đơn vị tiết kiệm được hàng tỷ đồng.
Đại diện Công ty xi măng Vicem Hạ Long cho biết: Việc thực hiện đốt rác thải để tạo nhiệt trong sản xuất đã giúp giảm tải được rất nhiều chi phí. Không những thế còn là liệu pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường sống trong lành. Hiện Công ty đặt ra mục tiêu trong năm 2023 sẽ nâng tỷ lệ đốt rác thải tạo nhiệt trong sản xuất lên khoảng 10%. Để làm được điều đó, đơn vị tiếp tục mở rộng kết nối thu gom rác tại các nhà máy, xí nghiệp, đồng thời đầu tư dây chuyền, hạ tầng thu gom, tập kết hợp lý để vừa đảm bảo sản xuất, vừa không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Dây chuyền phân loại và đốt rác thải tạo nhiệt cho hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh.
Tương tự, việc tái sử dụng rác thải làm chất đốt cũng đã được Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh triển khai hiệu quả. Ngoài việc thu gom rác thải từ các nhà máy, xí nghiệp, đơn vị này còn cho triển khai mô hình “Ngân hàng rác - gửi rác, rút tiền”. Thông qua đó, đã giúp khuyến khích người dân trên địa bàn thu gom, phân loại rác thải, mang đến bán lại cho công ty, giúp đơn vị có thêm nguồn cung rác thải, cũng như góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Ông Vũ Trọng Hiệt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng và xây dựng Quảng Ninh, cho biết: Năm 2022, mục tiêu của Công ty đặt ra sẽ thực hiện sản xuất 928.000 tấn Clinker, 1,327 triệu tấn xi măng. Tuy nhiên, trước thực trạng các nguyên liệu sản xuất đều tăng giá, Công ty đã tăng cường việc thu gom, đốt rác thải công nghiệp tạo nhiệt trong quá trình sản xuất để thay thế một phần cho nguyên liệu than. Công ty cũng đã đầu tư xây dựng dây chuyền lò đốt hiện đại, đảm bảo việc rác thải được đốt ở nhiệt độ cao, rác thải được xử lý hết, không có lượng thải sau đốt ra môi trường. Tới nay, nhờ việc tạo nguồn nguyên liệu thay thế từ rác thải, việc sản xuất của Công ty đã đi vào ổn định và hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm.
Công nhân Công ty xi măng Vicem Hạ Long phân loại rác vào lò đốt thay thế cho một phần nguyên liệu than trong quá trình sản xuất.
Hiện nay, việc sử dụng rác thải làm chất đốt trong sản xuất đã góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực đối với sản xuất của ngành than, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường của tỉnh. Đồng thời, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT, cho biết: Việc thay thế nhiên liệu truyền thống bằng rác thải công nghiệp không những giúp các nhà máy xi măng tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm trong khi chất lượng vẫn đảm bảo, đồng thời còn giúp giảm thiểu phát thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên cho đất nước. Thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục thực hiện việc tham mưu với tỉnh, tạo cơ chế thuận lợi để có thêm nhiều công ty xi măng cũng như các công ty sản xuất công nghiệp khác trên địa bàn thực hiện việc sử dụng rác thải làm chất đốt, góp phần thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả bền vững.