Thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông là điểm du lịch ưa thích của nhiều du khách.
Tỉnh Kon Tum có hai vùng động lực kinh tế gồm huyện Kon Plông và thành phố Kon Tum. Đây là hai địa phương được tỉnh xác định trung tâm, động lực để phát triển kinh tế xã hội. Thời gian qua, cả hai đã có những cách làm, bước đi riêng để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Chuyện ở huyện vùng III
Kon Plông là huyện vùng III của tỉnh Kon Tum. Huyện Kon Plông hiện có hơn 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 15% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện.
Tận dụng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết, thời gian qua huyện Kon Plông đã chú trọng phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và gắn với phát triển du lịch. Có thể nói, chủ trương trên đã bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.
Kon Plông đã hình thành các vùng chuyên canh với những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng như rau hoa xứ lạnh, trồng cà phê, chè xứ lạnh... Cùng đó, Măng Đen đã dần trở thành điểm đến yêu thích của người dân khi đi du lịch.
Có thể nói, năm 2022, Kon Plông đã triển khai rất tốt các hoạt động xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch, phát triển thêm các loại hình, sản phẩm du lịch. Huyện đã từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, nghĩ dưỡng, mua sắm của du khách gắn với phát triển ngành tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của huyện.
Kon Plông đã xây dựng, củng cố các tour, tuyến, điểm du lịch; tập trung phát triển các tour du lịch mới như du lịch lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum, du lịch làng văn hóa cộng đồng Vi Rơ Ngheo xã Đăk Tăng...
Bước sang Năm mới 2023, Kon Plông cũng đã có những mục tiêu cho riêng mình. Huyện đặt mục tiêu năm 2023, Kon Plông sẽ huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng vàlợi thế của huyện, tạo sự chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Cụ thể, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch Măng Đen trở thành trung tâm du lịch của khu vực.
Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông cho rằng phải phát triển nông nghiệp bền vững gắn kết hợp với phát triển du lịch, dịch vụ. Huyện quan tâm phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp dịch vụ, du lịch… gắn với thực hiện hiệu quả các ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất.
Huyện đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển một số sản phẩm. Cụ thể, huyện nâng vùng trồng cà phê xứ lạnh Măng Đen (Arabica) lên trên 1.500ha; vùng Chè (Đông Trường Sơn) trên 1.000ha tập trung ở các xã Hiếu, Pờ Ê và một số diện tích các xã có điều kiện thuận lợi phát triển gắn bảo tồn cây chè cổ gắn với xây dựng đăng ký, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm; phát triển một số loại cây trồng như cây mía, hồng... ở các xã có phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.
Huyện duy trì diện tích vùng rau, hoa, cây ăn quả xứ lạnh; sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (nhất là diện tích trồng sắn), tập trung phát triển một số loại rau, cây ăn quả có giá trị kinh tế, thế mạnh của địa phương, sản xuất mang tính hàng hóa đảm bảo các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành vệ sinh an toàn trong nông nghiệp (GAP).
Kon Tum thành phố xanh mới
Thành phố Kon Tum có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum. Đây là nơi hội tụ của các Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 24. Kon Tum nằm trong chuỗi các thành phố Nam Trung Bộ, có nhiều cơ hội giao lưu hợp tác bằng đường bộ với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên và các tỉnh thuộc 2 nước Lào, Campuchia...
Với lợi thế, tiềm năng trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đồ án quy hoạch, xác định mục tiêu phát triển thành phố Kon Tum theo kiểu hiện đại, sôi động, bền vững theo mô hình thành phố xanh mới.
Thành phố kết nối không gian đô thị hiện hữu và khu đô thị mới. Thành phố mở rộng không gian đô thị, phát triển 2 xã Vinh Quang, Đăk Cấm lên thành phường. Thành phố thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ, du lịch cấp đô thị; định hướng phát triển không gian đô thị dọc 2 bờ sông Đăk Bla, phát huy thế mạnh cảnh quan dòng sông; xây dựng các đập dâng nước dọc sông để tạo cảnh quan mặt nước.
Theo định hướng phát triển đô thị, thành phố sẽ tập trung phát triển không gian đô thị dọc 2 bên bờ sông Đăk Bla. Hiện khu vực phía Nam sông Đăk Bla có quỹ đất, cùng cảnh quang thiên nhiên phong phú, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển, hình thành các khu đô thị theo mô hình khu đô thị xanh, đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng.
Một góc thành phố Kon Tum - trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh Kon Tum.
Để Kon Tum thành thành phố hiện đại, sôi động, xanh, ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khẳng định trong thời gian tới, thành phố sẽ huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội.
Thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm, mang tính đột phá về phát triển hạ tầng đô thị, các khu, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ; chủ động bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn gắn với thu hút và phát triển thương mại, dịch vụ.
Cùng với đó, thành phố sẽ tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.
Năm 2023, thành phố Kon Tum đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 12%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.000 tỷ đồng.