Huyện Tiên Yên sẽ là đầu mối giao thông của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng biên giới Việt-Trung; là vùng phụ trợ cho Khu kinh tế Móng Cái, Vân Đồn và khu vực miền núi phía Bắc.
Cầu Vân Tiên dài hơn 1,5km, vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, nối hai huyện Vân Đồn và Tiên Yên. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Vùng huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) sẽ là cửa ngõ ra biển của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc.
Đó là hướng quy hoạch của tỉnh Quảng Ninh trong xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Tiên Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiên Yên là huyện phía Bắc của tỉnh Quảng Ninh, nằm ở giữa và cách 2 thành phố Hạ Long và Móng Cái 90km.
Phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính huyện Tiên Yên gồm thị trấn Tiên Yên và 10 xã, với diện tích khoảng 651km2.
Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch, huyện Tiên Yên sẽ là đầu mối giao thông của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng biên giới Việt-Trung; là vùng phát triển công nghiệp, logistics, chế biến nông lâm sản, phụ trợ cho Khu kinh tế Móng Cái, Vân Đồn và khu vực miền núi phía Bắc.
Là vùng miền núi kết hợp với đồng bằng ven biển và đất ngập nước với cảnh quan thiên nhiên đặc thù, đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc...
Trong Đồ án đã đưa ra các dự báo phát triển về quy mô dân số, quy mô đất đai, tỷ lệ đô thị hóa; định hướng phát triển không gian vùng; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế xã hội-hạ tầng kỹ thuật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhận định Tiên Yên là vùng có điều kiện thuận lợi về giao thông kết nối cả về đường bộ, đường hàng không, cửa khẩu với các địa phương trong tỉnh, đặc biệt khi tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái được đưa vào khai thác, tới đây Quốc lộ 4B được đầu tư nâng cấp, cải tạo, Tiên Yên sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng của cả vùng Đông Bắc.
Với tiềm năng, lợi thế về giao thông, cảnh quan, cơ hội phát triển như vậy, Tiên Yên phải đặt trong mối tương quan phát triển của khu vực và tỉnh để tính lại mục tiêu phát triển, định hướng phát triển, phân lại các vùng dựa trên cơ sở phân tích hiện trạng và tính toán kỹ hướng phát triển chi tiết, cụ thể cho từng vùng.
Cụ thể như vùng đồi núi phải tập trung khai thác tài nguyên rừng, phát triển làm giàu từ rừng, kết nối với huyện biên giới Bình Liêu để phát triển kinh tế nông nghiệp, giữ nguồn sinh thủy.
Cùng đó, vùng trung tâm tập trung phát triển đô thị và phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; vùng ven biển sẽ là động lực phát triển mới của Tiên Yên, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch, vùng nông nghiệp sinh thái hữu cơ, giữ vùng nuôi thủy sản rộng lớn, quỹ rừng ngập mặn phong phú đa dạng./.