Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển đồng thời cũng chính là tiền đề để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: MPI)
Ngày 30/11, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho biết, kể từ khi tái lập tỉnh từ (1/1/1997), Bắc Kạn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Bắc Kạn có tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm giai đoạn 2011-2020 bình quân 5,33%/năm. GRDP năm 2020 đạt 12.949 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần so năm 2010, GRDP/người đạt 40,92 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Năm 2020 tỷ trọng các ngành công nghiệp xây dựng (13,91%), nông nghiệp (30,78%), dịch vụ (52,2%), thuế (3,11%).
Tuy nhiên, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội, đòi hỏi phải có những chủ trương, quyết sách lớn, mang tính căn cơ, vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn, được ban hành kịp thời, tạo ra sự đột phá trong phát triển cho tỉnh, đồng chí Nguyễn Đăng Bình thông tin.
Theo đó đồng chí Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng.
Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch đánh giá, Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn đã được xây dựng phù hợp định hướng phát triển đất nước của Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc khóa XIII của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, quy hoạch xác định mục tiêu cho 2 giai đoạn chính. Cụ thể, đến năm 2030, tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước, hệ thống không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu có nền kinh tế năng động; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường đáng sống; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước.
Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển với tư tưởng "Phát triển từ cội nguồn và nỗ lực tạo ra những thành tựu mới", từ đó hoạch định chiến lược "Khai thác tiềm năng-Phát huy bản sắc-Liên kết phát triển bền vững".
Ngoài ra, quy hoạch cũng đề ra 4 đột phá chiến lược cho tỉnh, đó là: xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội; đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đã đề nghị Bắc Kạn bổ sung thêm các nội dung đánh giá về điều kiện phát triển đặc thù của địa phương, thực trạng phát triển kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng.
Về phát triển kinh tế, tỉnh cần tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tạo đột phá phát triển về đô thị, công nghệ tại khu vực hành lang Chợ Mới, thành phố Bắc Kạn, hồ Ba Bể.
Đồng thời, theo Hội đồng thẩm định, Bắc Kạn cần bổ sung phương án kết nối, liên kết giữa các khu vực khó khăn với các khu vực có vai trò động lực để hỗ trợ, thúc đẩy, từng bước phát triển các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn; đồng thời làm rõ hơn nhu cầu, đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong thời kỳ quy hoạch để giải quyết các điểm nghẽn.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Bắc Kạn tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.