Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy giám sát việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm tại huyện Sóc Sơn - Ảnh: HĐND Hà Nội
Còn nhiều khó khăn, còn chậm các thủ tục phê duyệt dự án
Tại UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết, danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 có 39 công trình với tổng mức đầu tư dự kiến là trên 360.980 tỷ đồng.
Trong đó, gồm: 32 công trình có sử dụng vốn ngân sách; 6 công trình đầu tư theo hình thức xã hội hóa; 1 công trình chuyển tiếp đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BT) hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, đối với 32 dự án trọng điểm dự kiến đầu tư có sử dụng nguồn vốn Ngân sách Thành phố: Có 8 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 đang triển khai thực hiện; Đối với 24 dự án mới, tính đến thời điểm hiện nay có 9 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư (trong đó có 3 dự án đã có quyết định phê duyệt dự án); 7 dự án đã được giao nhiệm vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; 8 dự án chưa có Quyết định giao nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết, trong quá trình thực hiện còn gặp vướng mắc, cụ thể là thủ tục triển khai các dự án còn chậm, khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, thời gian qua giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao… Đây là khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án để đủ điều kiện bố trí vốn.
"Do vậy, cả dự án chuyển tiếp và dự án mới đều rất hạn chế trong việc hấp thụ vốn", Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho biết.
Còn đối với HĐND Thành phố, Phó Chủ tịch HĐND Phùng Thị Hồng Hà cho biết, Đảng đoàn HĐND Thành phố cũng lãnh đạo, tập trung nguồn lực để triển khai 39 công trình, dự án trọng điểm, trong đó có 32 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, ngân sách Thành phố…
Trước thực trạng nhiều công trình, dự án trọng điểm chậm tiến độ, gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng Đoàn HĐND Thành phố đã chỉ đạo thực hiện chất vấn về nội dung này tại kỳ họp thứ 3 (tháng 12/2021) và kỳ họp thứ 7 (tháng 7/2022).
Thông qua hoạt động chấn vấn, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã có chuyển biến về tiến độ, như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32; Khởi công dự án Bệnh viện Nhi Hà Nội (giai đoạn 1) vào tháng 02/2022; thông qua chủ trương đầu tư dự án Dự án Bảo tồn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; giải quyết các tồn tại, khó khăn vướng mắc đã kéo dài nhiều năm của Dự án tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì…
Để đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ cho các dự án còn vước mắc, Đảng đoàn HĐND Thành phố nêu 2 nhóm kiến nghị lớn với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy. Trong đó, chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp, kiến nghị các cơ quan Trung ương xem xét sửa đổi, ban hành các quy định cụ thể, phù hợp các quy định mới của pháp luật và tình hình thực tiễn về đầu tư, đầu tư công; việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; hình thức đối tác công tư; công tác quản lý ngân sách, thanh toán, quyết toán công trình; công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất…
Chỉ rõ nguyên nhân chậm chễ để tháo gỡ
Đối với huyện Sóc Sơn, báo cáo với đoàn giám sát, UBND huyện cho biết Sóc Sơn hiện triển khai 3 dự án trọng điểm của thành phố gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II; dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 địa phận huyện Sóc Sơn; dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.
Đến nay, dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II, huyện thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng giải phóng mặt bằng tại địa phương, với tổng diện tích trên 73 ha, thuộc địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (trong đó, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng là trên 52 ha của 442 hộ gia đình; đất ở là trên 21 ha của 287 hộ gia đình). Đến nay, diện tích đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện thi công là trên 71 ha, đạt 96,9% diện tích dự án; còn lại liên quan đến 36 trường hợp hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Về nguyên nhân dự án kéo dài, chậm tiến độ, huyện Sóc Sơn cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án và thực hiện giải phóng mặt bằng, có 4 lần thay đổi về tên chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đến tháng 6/2022, cơ cấu tổ chức của đơn vị chủ đầu tư mới hoàn thiện, công tác kiện toàn Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án để giải quyết các tồn tại mới được triển khai các bước tiếp theo.
Riêng dự án Vành đai 4 đi qua địa bàn có diện tích đất thu hồi là trên 48 ha của 500 hộ dân (chủ yếu là đất nông nghiệp, có 3 hộ đất ở bị ảnh hưởng) tại các xã Thanh Xuân, Tân Dân. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự kiến là 438 tỷ đồng. Huyện đã thành lập hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thành lập tổ công tác giải phóng mặt bằng; ban hành thông báo thu hồi đất, chính sách giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Đến nay, đã hoàn thành các khâu chuẩn bị để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch.
Trong quá trình giám sát tại các đơn vị, Đoàn giám sát của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đều nêu rõ công tác giám sát cần chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp và kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ.
Như các dự án còn chậm triển khai cần nêu rõ cần phải chỉ rõ nguyên ngân chậm để tháo gỡ, như vướng giải phóng mặt bằng thì phải chỉ ra bao nhiêu dự án, tại sao vướng…
Tại UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng đoàn giám sát lưu ý UBND Thành phố cần xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể để thực hiện, trong 39 dự án có những dự án sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này nhưng cũng có những dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn tiếp theo và cần rõ về nội dung, giai đoạn thực hiện.
UBND Thành phố và các sở, ngành chức năng của Thành phố rà soát lại các nội dung, tiến độ để đôn đốc các đơn vị thực hiện; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những khó khăn về chủ trương đầu tư, vốn. Đối với những dự án chậm triển khai cần kiên quyết loại bỏ.
Đối với HĐND TP. Hà Nội Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Đảng đoàn HĐND Thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình trọng điểm; đồng thời tiếp tục giám sát, tái chất vấn đối với nội dung này, nhất là đối với các dự án chậm tiến độ kéo dài.
Đối với huyện Sóc Sơn, Đoàn giám sát đề huyện cần đánh giá rõ về bức tranh tổng thể của các dự án, từ quá trình hình thành, triển khai, điều chỉnh. Đặc biệt, huyện cần đánh giá rõ biến động của chính sách với từng dự án, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Phó Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị huyện đánh giá rõ, gắn trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo.
Với dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn huyện, Đoàn giám sát đề nghị huyện tập trung triển khai dự án đúng tiến độ, khai thác triệt để các cơ chế, chính sách, đặc biệt là trong giải phóng mặt bằng, bảo đảm dự án không chậm theo kế hoạch tiến độ của dự án.