Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Bình Định vừa tổ chức hội nghị phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng lần thứ 2 năm 2022 tại Bình Định.
Ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hội nghị có sự tham gia của gần 150 đại biểu thuộc các Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng và đại diện các cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân khu vực phía Nam.
Nâng cao chất lượng giám định tư pháp trong hoạt động xây dựng.
Cùng với hệ thống quy phạm pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng ngày càng hoàn thiện, thực tế trong những năm qua, hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động tố tụng, góp phần quan trọng vào việc điều tra, truy tố xét xử các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Song, vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục, tháo gỡ.
Vì vậy, hội nghị tập trung phổ biến, tập huấn các quy định của pháp luật mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng (Luật số 56/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Nghị định 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, các quy định của pháp luật về chi phí giám định, bồi dưỡng giám định; Thông tư số 17/2021/TT-BXD ngày 22/12/2021 quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng)…
Để nâng cao chất lượng xây dựng công trình, chấp hành các quy định pháp luật, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang kỹ thuật quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ chế chính sách đảm bảo khuyến khích, thu hút hiệu quả lực lượng giám định tư pháp xây dựng; đồng thời, chú trọng phổ biến, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp luật liên quan công tác giám định, định giá tài sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp xây dựng và kiện toàn hệ thống các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện giám định tư pháp xây dựng…
Cũng theo ông Ngô Lâm, Bộ Xây dựng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, đảm bảo lực lượng giám định tư pháp; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng làm giám định tại địa phương. Các cơ quan trưng cầu nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách tài chính đối với công tác giám định tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh quyết toán chi phí, tiền bồi dưỡng giám định tư pháp cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, đặc biệt là các cá nhân, cơ quan Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ giám định, nhất là những vụ việc có chi phí lớn, ngoài phát sinh dự kiến.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng quy định cơ chế, chính sách để đảm bảo khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện giám định; chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân từ chối thực hiện giám định không có lý do chính đáng, chậm trễ, kéo dài, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kết luận giám định không đúng sự thật hoặc không khách quan, có sai lệch do lỗi chủ quan trong kết luận giám định.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thuỵ, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), để thực hiện việc thu phí giám định phù hợp đối với từng lĩnh vực giám định cần ban hành một văn bản riêng. Thực tiễn, sau nhiều năm triển khai thực hiện, Bộ Tài chính mới ban hành được phí giám định tư pháp trong 4 lĩnh vực: Pháp y; Pháp y tâm thần; Kỹ thuật hình sự; Thông tin và truyền thông, còn các lĩnh vực giám định khác cũng đã có quy định, nhưng chưa được cụ thể, rõ ràng, phù hợp với từng lĩnh vực, gây khó khăn trong việc thu phí giám định tư pháp, từ đó làm cho hoạt động giám định tư pháp bị ách tắc, nhất là tại những lĩnh vực như xây dựng, tài nguyên, môi trường… cần chi phí lớn.
Do vậy, vấn đề đặt ra là để hoạt động giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng thì một trong những điều kiện quan trọng là hoạt động giám định phải được tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí cần thiết đảm bảo tái đầu tư, bù đắp sức lao động... cho tổ chức, cá nhân người giám định tư pháp.
Ông Nguyễn Bắc Thuỷ, Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đề xuất, khi trưng cầu các cơ quan trưng cầu cần phải nêu rõ, cụ thể nội dung yêu cầu cần giám định, tránh tình trạng chung chung, mang tính chất đánh đố. Khi trưng cầu giám định cơ quan trưng cầu cần lựa chọn đúng cơ quan thực hiện giám định, định giá tài sản. Nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến quy trình, thời hạn giám định cho phù hợp với đặc thù của các vụ án, vụ việc kinh tế trong lĩnh vực xây dựng. Kịp thời bổ sung cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo vị trí việc làm được Bộ phê duyệt…