Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Theo giới chuyên gia, trong những năm qua, quá trình phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo đô thị ngày một thay đổi theo hướng hiện đại hơn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng đã nảy sinh những hạn chế, gây ra không ít hệ lụy, một phần nguyên nhân là do sự phát triển còn thiếu bền vững.
Vì thế, việc tận dụng hiệu quả của cuộc cách mạng 4.0 để xây dựng đô thị thông minh, đảm bảo đô thị có tính kết nối, với mục tiêu giải quyết được các “góc tối” đô thị như ô nhiễm môi trường, ngập úng, tắc nghẽn giao thông, là nhiệm vụ cấp thiết.
Đô thị hoá là tất yếu khách quan
Nói về vấn đề trên, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh sau 35 năm đổi mới, đến cuối năm 2020, hệ thống đô thị nước ta đã có 862 đô thị các loại, phân bổ tương đối đồng đều trên cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Minh chứng là tỷ lệ đô thị hoá đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.
Cùng với đó, chất lượng đô thị hoá cũng chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn.
Đáng chú ý, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập. Trong khi đó, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.
Để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên, đại diện Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng đô thị hoá thông minh là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 06-NQ-TW ban hành vào đầu năm 2022 vừa qua.
Trước đó, từ năm 2016, việc phát triển đô thị thông minh cũng đã được đề cập tại Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII. Trên cơ sở đó, một số địa phương, đô thị lớn (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Ninh…) đã ban hành các đề án/chương trình/kế hoạch phát triển đô thị thông minh.
Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 48/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Tuy vậy, bên cạnh lợi thế là sự ủng hộ từ Trung ương thì các đô thị còn đang lúng túng trong việc xác định mô hình đô thị thông minh phù hợp với đặc điểm riêng của từng địa phương.
Đổi mới đô thị từ kinh nghiệm thế giới
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, tiến sĩ, kỹ trúc sư Lưu Đức Minh - Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý Xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Ảnh minh họa. (Nguồn: MTS)
Tuy nhiên, để “hiện thực hóa” được quyết tâm trên, theo ông Minh, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các nước đã thành công trong phát triển đô thị thông minh, nhất là mô hình từ các nước châu Á có đặc điểm tương đồng là vô cùng quan trọng.
Dẫn kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Minh cho biết đây là quốc gia có lịch sử phát triển đô thị từ những năm 1995. Đáng chú ý, năm 2001, Hàn Quốc đã có định hướng phát triển hệ thống thông tin điện tử quốc gia và họ đặt ra mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu về không gian lãnh thổ, hình thành hệ thống bản đồ chung trên toàn quốc; đưa ra các khung chuẩn, dữ liệu về địa lý; đào tạo, chuyển giao công nghệ; xây dựng các hệ thống về thông tin quy hoạch, đất đai, thông tin về các công trình.
Sau gần thập kỷ, đến thời điểm năm 2010, việc xây dựng đô thị ở Hàn Quốc đã chú trọng đến hạ tầng tiện ích cho người dân đồng thời với hướng quản lý vận hành thông minh. Đến nay, quốc gia này cơ bản đã hoàn thành chuyển đổi số, phát triển đô thị theo hướng hạ tầng tiện ích cho người dân có trước, đảm bảo đô thị thông minh.
“Từ kinh nghiệm trên cho thấy quá trình phát triển đô thị của Việt Nam hiện nay sẽ phải ‘đi’ song hành bằng ‘2 chân.’ Đó là việc tiếp cận công nghệ mới đón đầu từ các quốc gia phát triển đưa vào Việt Nam đồng thời cũng cần phải hoàn thiện nền tảng thông tin cơ sở dữ liệu đồng bộ theo hướng chính quyền số, đô thị điện tử như câu chuyện mà hơn 20 năm trước Hàn Quốc đã làm,” ông Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Minh, một số kinh nghiệm của Hàn Quốc mà Việt Nam có thể ứng dụng luôn từ nay đến năm 2025 - đó là cần phải hình thành được nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị, thông tin truyền thông; chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực như tài nguyên và môi trường liên quan đến quản lý đất đai; xây dựng liên quan đến việc quản lý quy hoạch đô thị; ngành giao thông liên quan đến không gian giao thông...
Trong khi đó, tiến sĩ Baik Nam Cheol, Ban nghiên cứu giao thông đường bộ/Cụm nghiên cứu đô thị thông minh Hàn Quốc cho rằng tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam hiện đang ở mức 37%. Dự đoán đến năm 2040, tỷ đô thị hóa ở Việt Nam sẽ diễn ra nhanh hơn, với mức tăng lên 52-58%. Tuy nhiên, để đạt được mức tang này, theo vị chuyên gia Hàn Quốc thì Việt Nam sẽ cần xây dựng khoảng 15 “Đô thị 1 triệu dân.”
Theo đó, tiến sĩ Baik Nam Cheol đưa ra một số chính sách của Hàn Quốc để Việt Nam có thể tham khảo như: Đẩy mạnh chuyển đổi số; đổi mới không gian với Chiến lược tăng trưởng hiệu quả không gian lãnh thổ; trung lập carbon, trong đó cho phép địa phương và người dân cùng thực hiện với sự tham gia bền vững của các doanh nghiệp tư nhân; thương mại hóa phương tiện di chuyển, di động trong tương lai.
Cùng với đó, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; tích hợp hệ thống đo lường, cảm biến, hệ thống dữ liệu, khai thác hiệu quả nền tảng và ứng dụng công nghệ số vào hạ tầng thiết yếu tại đô thị; thúc đẩy mô hình quản lý thông minh trong vận hành, quản lý, khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị./.
Xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam
Xác định phát triển đô thi thông minh là yêu cầu cấp thiết, ông Hoàng Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết trong thời gian tới, đơn vị này sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam, đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý được kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan, bộ, ban, ngành trên cả nước.
Trên cơ sở đó, thông qua Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam, cơ quan quản lý sẽ kịp thời cung cấp thông tin dữ liệu đo đạc bản đồ cho các tổ chức, cá nhân phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.