Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tiến độ xây dựng mới 9 công viên trên địa bàn thành phố.
Công viên khu tưởng niệm Danh nhân Chu Văn An tại huyện Thanh Trì.
Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng 9 công viên mới, với tổng diện tích hơn 320 ha, nhưng các dự án này đều chậm tiến độ.
Cụ thể, công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội, với diện tích hơn 10ha, nhưng mới hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, còn hơn 9.000m2 chưa giải phóng. Chủ đầu tư đề xuất xây dựng thêm b3 tầng hầm với chức năng chính là khu thương mại ngầm và bãi đỗ xe ngầm phục vụ khu công viên, nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa xem xét.
Công viên hồ điều hòa CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm, có diện tích 27,7ha, nhưng còn hơn 1.300 m2 đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đến nay gói thầu thi công cống hộp đã hoàn thành, gói thầu thi công công trình đạt hơn 92% và gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị đạt hơn 71%, nhưng việc kết nối giao thông, thoát nước theo quy hoạch với hạ tầng chung quanh gặp khó khăn.
Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì, có diện tích 50,9ha, với 5 dự án thành phần. Ba dự án gồm: Xây dựng đường vào phía đông khu tưởng niệm; tôn tạo, tu bổ chùa Quang Ân và tôn tạo, tu bổ đình thờ lão tướng Phạm Tu đã hoàn thành. Hai dự án đang triển khai gồm xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tưởng niệm và xây dựng các công trình kiến trúc tượng đài, nhà tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, nhà khách, cùng các công trình kiến trúc khác. Tuy nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng tượng đài danh nhân Chu Văn An, với tổng mức đầu tư khoảng 130 tỷ đồng gặp nhiều khó khăn.
Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy, diện tích 100ha ở huyện Đông Anh, đã giải phóng mặt bằng được hơn 99ha, diện tích còn lại vướng khu đất khu nghĩa trang và đường điện. Cùng với đó, việc thu hồi đất đường giao thông với diện tích gần 4.000m2 đoạn nối dẫn từ Quốc lộ 3 đến đường 5 kéo dài vẫn chưa được thực hiện. Các thủ tục liên quan đến xác định đơn giá tiền thuê đất hằng năm cũng chưa hoàn tất.
Công viên hồ Phùng Khoang, diện tích 11ha, thuộc quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân đã đạt khoảng 80% hạng mục hồ điều hòa và đường dạo, rào chắn, cây xanh, nhưng dự án phải tạm dừng do điều chỉnh quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu) phục vụ xây dựng trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân. Việc đấu nối hệ thống thoát nước từ công viên hồ sang mương Mễ Trì vướng mắc do phải cắt đường, di chuyển cây xanh.
Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, diện tích 98ha chưa triển khai do chưa lựa chọn được nhà đầu tư, nhưng toàn bộ diện tích đất quy hoạch xây dựng công viên giao 12 đơn vị quản lý sử dụng, trong đó chỉ có một đơn vị chấp hành dừng khai thác, thanh lý hợp đồng. Còn 11 nhà đầu tư không đồng ý thanh lý hợp đồng do số tiền đầu tư của họ không nhỏ, thời gian hoạt động ngắn, chưa kịp thu hồi vốn.
Công viên thiên văn học - Khu đô thị Dương Nội ở quận Hà Đông, diện tích 8ha, cơ bản đã hoàn thiện, nhưng chưa nghiệm thu, bàn giao để hoạt động do còn vướng mắc về các chỉ tiêu quy hoạch, thủ tục giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng.
Công viên Hữu nghị quận Bắc Từ Liêm, diện tích 16ha, hiện trạng là đất trống và dự án đã tạm dừng thực hiện từ năm 2016 do vướng thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư và thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và không tiếp tục được bố trí vốn.
Công viên Văn hóa-Thể thao-Vui chơi Đống Đa giai đoạn 1, diện tích 7ha, chậm triển khai do quy hoạch chi tiết được phê duyệt từ những năm 1998, quá trình thực hiện dự án kéo dài và vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, các công viên cây xanh phục vụ công ích thuộc trách nhiệm Nhà nước đầu tư, duy trì phục vụ nhân dân không thu phí. Do ngân sách chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư cho nên từ năm 2013, Hội đồng nhân dân thành phố có nghị quyết khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Tuy nhiên, việc xây dựng mới công viên chưa thu hút nhà đầu tư do nguồn vốn lớn và sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được khai thác kinh doanh phần công trình xây dựng mật độ 5% để thu hồi vốn, nhưng phải tự duy tu, duy trì, quản lý vận hành toàn bộ công viên. Ngoài ra, việc đề xuất khai thác không gian ngầm cho nhà đầu tư khó đáp ứng các quy định hiện hành...