Hà Nội đang trong những ngày kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022) - Ảnh: VGP/Gia Huy
Dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022) cũng là tròn 1 năm Hà Nội triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".
Nghị quyết 128 là sự chỉ đạo đúng đắn, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, với tư cách là nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, trong điều kiện còn "ngặt nghèo", dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và 63/63 tỉnh, thành cả nước đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết này.
Điều đó thể hiện được sự chỉ đạo đúng đắn, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những quyết sách quan trọng đó đã đưa cuộc sống trở lại bình thường, nền kinh tế cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Đánh giá về việc sau 1 năm TP. Hà Nội thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, trong hơn 2 năm qua, Hà Nội đã cùng với cả nước "gồng mình" chống dịch COVID-19, đặc biệt từ ngày 11/10/2021, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, TP. Hà Nội đã thực hiện khá nghiêm túc, phát huy tinh thần trách nhiệm, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; lãnh đạo Thành phố đã có những chỉ đạo hết sức cụ thể, rõ ràng trên từng lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
"Đầu tiên phải nói là Hà Nội đã thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, sinh hoạt bình thường lại nhưng không quên công tác phòng, chống dịch, từ việc chấp hành thông điệp "5K" xuống "2K",… Việc thực hiện nghiêm Nghị quyết không chỉ trong nội thành mà ở cả các huyện ngoại thành, giúp hạn chế tối đa tổn thất của hậu COVID-19 trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội, thể hiện ở các con số tăng trưởng GDP của Hà Nội tốt hơn, đời sống nhân dân dần cải thiện hơn…", PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Song song với đó, Thành phố đã triển khai hiệu quả việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng, nhất là cho trẻ từ 5-11 tuổi và tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Đồng thời, luôn quan tâm chăm lo đến người nghèo, người yếu thế, những người gặp khó khăn sau dịch COVID-19. Việc hỗ trợ được giải ngân "từng đoạn, từng khúc" rất rõ ràng tới từng phường, xã, do đó tiền hỗ trợ đến tay người dân được nhanh hơn.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP. Hà Nội cũng triền khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động; hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc thông qua tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động…
"Có thể nói, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Hà Nội dần lấy lại đà tăng trưởng, cho thấy rõ những chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã phát huy rất hiệu quả trong thời gian qua", PGS. TS Bùi Thị An khẳng định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra tiến độ một số công trình trọng điểm tại địa bàn Thủ đô - Ảnh: VGP
Triển khai Nghị quyết 128 với sự linh hoạt, chủ động và sáng tạo
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND để thực hiện quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" với sự linh hoạt, chủ động và sáng tạo.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, ngay thời điểm đó, đến ngày 11/11, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023.
Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thì UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành kịp thời Kế hoạch số 61 ngày 21/3/2022 về triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Nghị quyết 11.
Thành phố tập trung triển khai các nhóm giải pháp của Trung ương gồm 5 giải pháp chính. Đó là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực về y tế, phòng chống dịch bệnh; bảo đảm về an sinh xã hội và việc làm; hỗ trợ, phục hồi các doanh nghiệp, các Hợp tác xã, Hộ kinh doanh; đầu tư cải cách kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó, Thành phố đã ban hành các giải pháp cũng như sáng kiến để triển khai các nội dung, các nhiệm vụ của Thành phố.
Thời điểm đầu tháng 12/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc, tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua các khó khăn, thách thức, đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao.
Đánh giá về kết quả tăng trưởng của năm 2021, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng GRDP của Thành phố cả năm ước đạt khoảng 2,92%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5%), nhưng vẫn duy trì ổn định; cân đối thu - chi ngân sách vẫn được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán, nhất là các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh COVID-19, chi cho công tác an sinh xã hội…
Thực hiện những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ liên quan đến Nghị quyết 128/NQ-CP, TP. Hà Nội đã thực hiện chủ trương "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" với những giải pháp quyết liệt phục hồi kinh tế ngay sau khi kiểm soát dịch bệnh của Thành phố. Kết quả, doanh thu công nghiệp, thương mại, dịch vụ tháng 10, tháng 11 tăng mạnh so với các tháng quý 3 góp phần lấy lại đà tăng trưởng trong quý 4.
Tháng 4/2022, Hà Nội công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống góp phần cơ bản hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu tại Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy
Kích thích tăng trưởng trong bối cảnh "bình thường mới"
Trong năm 2022, Hà Nội đã xác định mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Xây dựng và thực hiện nghiêm tiêu chí thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong các ngành, lĩnh vực. Chủ động xây dựng, triển khai các Kịch bản phòng, chống tương ứng với các cấp độ của dịch.
Hà Nội cũng đã xác định 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó tăng trưởng GRDP khoảng 7,0%-7,5%.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, đơn vị đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích thích tăng trưởng trong bối cảnh "bình thường mới", tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn.
Ngay từ đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của Thành phố và cấp huyện, đặc biệt là những địa bàn có tỷ lệ giải ngân thấp trong năm 2021.
Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022 (ngày 5/4), Thủ tướng Phạm Minh Chính có nêu 10 kết quả nổi bật của cả nước trong thời gian qua.
Căn cứ những đánh giá của Thủ tướng Chính phủ, TP. Hà Nội nhận định: "10 kết quả nổi bật toàn quốc ấy được thể hiện sinh động, rõ nét ở địa bàn Thủ đô". Tiêu biểu là, Hà Nội không chỉ bám sát các chỉ đạo của Trung ương, triển khai cụ thể các giải pháp trong Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ để triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể mà còn chủ động có kế hoạch khắc phục các tồn tại hạn chế trong năm 2021.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, nhìn một cách tổng thể, sau khi chuyển sang thích ứng với dịch COVID-19, kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng khá; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh.
Trong quý I/2022, tăng trưởng kinh tế Thành phố có nhiều tín hiệu khởi sắc, tích cực, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi, phát triển sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tổng sản phẩm trên địa bàn quý I tăng 5,83% - gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), đúng với kịch bản tăng trưởng đề ra (từ 5,7%-6,2%).
GRDP quý II của Hà Nội đạt 9,49% - cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm. Kinh tế Thủ đô đang phục hồi mạnh mẽ là nhận định của UBND TP. Hà Nội. Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đây cũng là dấu mốc đặc biệt của Thành phố sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Kết quả GRDP của Hà Nội quý III tăng 15,71% và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 9,69% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đến nay, qua 1 năm triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hà Nội đã thực hiện mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4; tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Với kết quả đã đạt được trong nỗ lực phục hồi kinh tế theo Nghị quyết của Chính phủ, và dựa nhận định về triển vọng của quý IV/2022, thì mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt 7,0%-7,5% của TP Hà Nội là khả thi.
Còn theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Hà Nội đã và đang khắc phục những khâu còn yếu kém, chậm trễ trong những tháng đầu năm để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút mọi nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế... Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của cả năm 2022.