Bắc Ninh: Đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn văn minh

Thứ tư, 28/09/2022 13:51
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Với những lợi thế lớn cũng như nỗ lực của địa phương, Bắc Ninh cơ bản trở thành công nghiệp, hướng tới là thành phố trực thuộc Trung ương. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều địa phương trong tỉnh đặt mục tiêu phát triển hài hòa giữa nông thôn và đô thị, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa. Mỗi địa phương tùy vào đặc thù và thế mạnh riêng để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa.

Xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Hiện tại, nhiều địa phương như: Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ vừa là lợi thế, nhưng vừa là thách thức không nhỏ của các địa phương trên trong xây dựng NTM, NTM nâng cao. Đang trong lộ trình xây dựng huyện trở thành thị xã nên giai đoạn vừa qua, ngoài gần 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, huyện Quế Võ cũng đã huy động hàng nghìn tỷ đồng từ nhân dân, doanh nghiệp, HTX và các mạnh thường quân đầu tư cho chương trình xây dựng NTM và NTM nâng cao.

Địa phương cũng đầu tư nâng cấp, sửa chữa và làm mới gần 200km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; trong đó phần lớn đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa. Chủ tịch UBND huyện Quế Võ Đặng Văn Tuấn cho biết: Là địa phương có mức độ gia tăng dân số cơ học cao dẫn đến áp lực lớn về đầu tư đường sá, trường lớp… Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 huyện sẽ có hơn 100 dự án hạ tầng được triển khai nhằm kết nối các khu, cụm công nghiệp tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, khó khăn không nhỏ hiện nay là cơ sở hạ tầng hầu hết các xã trên địa bàn huyện chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Với các tiêu chí khó đạt, cần nguồn vốn lớn và thời gian thực hiện, các địa phương cần tập trung thực hiện, nhất là phải sáng tạo vận động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Hạ tầng giao thông huyện Quế Võ được đầu tư đồng bộ, tính kết nối cao thuận lợi cho quá trình đô thị hoá.

Cùng với Quế Võ, huyện Thuận Thành đang nỗ lực thực hiện song song 2 mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2022 và xây dựng NTM nâng cao ở các địa phương. Vì thế, huyện đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị. Trong đó, cần nguồn vốn lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa... Theo báo cáo của UBND huyện, dự kiến nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của huyện giai đoạn 2021-2025 là gần 4.200 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Thịnh đánh giá, công nghiệp hóa, đô thị hóa đang tạo nhiều áp lực cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM của nhiều địa phương vừa xây dựng đô thị, vừa thực hiện mục tiêu đưa huyện trở thành thị xã. Theo đó, các tiêu chí về phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư hạ tầng, môi trường, an ninh trật tự… của các địa phương phải vừa đạt tiêu chí NTM nâng cao, vừa đạt tiêu chí về đô thị, nhất là trên địa bàn 10 xã dự kiến trở thành phường.

Phát triển nông nghiệp hàng hoá, công nghệ cao          

Tuy các địa phương trên cơ bản đáp ứng các điều kiện nâng cấp lên thị xã nhưng vẫn xem xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm và khai thác thế mạnh riêng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng thu hút các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH. Định hướng phát triển nông nghiệp cho đô thị trong tương lai, huyện Thuận Thành đã xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Do quỹ đất dành cho đất nông nghiệp của huyện ngày càng thu hẹp, địa phương định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ có lợi thế cạnh tranh cao. Huyện Quế Võ cũng đang đặt ra mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn mới theo hướng nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đầu tư chế biến sâu đối với nông sản chủ lực của địa phương như khoai tây, gốm mỹ nghệ Phù Lãng. Đặc biệt, địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn - đô thị với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề… góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh một cách hài hoà, hiệu quả.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)