Triển vọng dài hạn của các khu vực BĐS trung tâm
Báo cáo triển vọng ngành BĐS của Hiệp hội BĐS Việt Nam đưa ra góc nhìn tích cực về thị trường trong dài hạn với các động lực nêu trên. Trong nửa đầu năm 2022, các hoạt động phát triển dự án BĐS thương mại nhà ở cả nước ghi nhận diễn biến chậm hơn so với năm 2021 (cấp phép giảm 61%, đang triển khai giảm 7%, đủ điều kiện mở bán giảm 32% so với cùng kỳ), nhưng trong 3 tháng qua bắt đầu khả quan. Trong đó, các tỉnh Bình Dương, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Nghệ An, Đà Nẵng, Phú Thọ, Hà Nội... đang là những địa phương dẫn đầu về hoạt động phát triển nhà ở thương mại.
Hoạt động giao dịch đất nền trên cả nước cũng có dấu hiệu tăng trưởng, với gần 367.000 giao dịch, chiếm hơn 80% số lượng các sản phẩm liên quan đến nhà ở.
Thị trường bất động sản các khu vực trung tâm còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn.
Khác với TP Hồ Chí Minh, phân khúc BĐS trung cấp tại Hà Nội vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung, nhưng phân khúc bình dân ngày càng thu hẹp. Dự án nhà phố và biệt thự đang diễn biến khá tích cực cả về nguồn cung. Từ đầu năm đến nay, tại TP Hồ Chí minh, nguồn cung mới BĐS căn hộ đã có xu hướng cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ chỉ ở mức 76%, con số thấp nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Nguồn cung mới ngày càng có xu hướng dịch chuyển về phân khúc cao cấp và hạng sang, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm...
Còn theo thông tin từ các công ty chứng khoán, trong ngắn và trung hạn, dự báo các tỉnh thành đang đứng đầu về mật độ dân số và thu nhập so với mặt bằng chung cả nước bao như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc... sẽ là các khu vực có hoạt động phát triển BĐS nhanh so với mức tăng trưởng chung toàn ngành. Thị trường BĐS các khu vực được sự đầu tư hạ tầng của Chính phủ cũng dự báo sẽ phát triển sôi động hơn trong trung hạn.
Đáng chú ý, khu vực Hà Nội đang có xu hướng ngày càng phát triển thị trường các phân khúc BĐS ra khu vực ngoại thành. Trong bối cảnh nguồn cung quỹ đất nội đô khan hiếm, các dự án có xu hướng phát triển rộng ra các khu vực ngoại thành như: Hoài Đức, Đan Phượng, Hoàng Mai, Long Biên... cũng như mở rộng ra các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... Xu hướng mở rộng này kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy giá mặt bằng chung khu vực ngoại thành và các tỉnh lân cận tăng nhanh trong thời gian tới.
Tại các khu vực trung tâm khác như tại Đà Nẵng, trong trung và dài hạn, định hướng phát triển ngành du lịch, logistics và công nghệ cao theo quy hoạch TP Đà Nẵng 2021 - 2030 sẽ tạo điều kiện cho phát triển các dự án lớn như: Cảng Liên Chiểu, dự án tàu điện ngầm kết nối các quận trung tâm, dự án tàu điện kết nối Hội An, khơi thông sông Cổ Cò... mang đến lợi thế cho cấc phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, căn hộ cao tầng và gia tăng giá trị của tất cả các loại hình bất động sản nói chung.
Tỉnh Đồng Nai cũng được hưởng lợi mạnh mẽ từ hạ tầng phát triển trong dài hạn, nhất là từ quá trình dịch chuyển mở rộng phía Đông TP Hồ Chí Minh và các chính sách phát triển hạ tầng trọng điểm của địa phương như: Sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, cầu Phước An...
Đặc biệt, khu vực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực sẽ hưởng lợi từ chính sách phát triển hạ tầng của Chính phủ, bao gồm: Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Cao Lãnh - Phú Hữu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cảng Định An, mở rộng kênh Chợ Gạo...
Thị trường BĐS chuẩn bị cho lực bật mới
Với những dự báo triển vọng thị trường trong dài hạn trên, các chuyên gia kinh tế, BĐS cho rằng, thị trường đang "ấm trở lại", nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng. Đây cũng chính là giai đoạn vàng để nhà đầu tư có thể chọn được hàng tốt cho những chiến lược đầu tư bền vững.
Qua tìm hiểu, việc siết tín dụng vào BĐS thời gian qua là quãng nghỉ để các chủ đầu tư định hướng lại mục tiêu phát triển của doanh nghiệp. Khi không có nguồn vốn dồi dào để phát triển dự án ồ ạt, doanh nghiệp sẽ phải tự đánh giá được kết quả đầu tư hiệu quả hay không, đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập, lựa chọn đối tác mới có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng không đóng cửa với tất cả các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có các chỉ tiêu kinh doanh lợi nhuận tốt, có quỹ đất... vẫn đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Do đó, dự án muốn vay tín dụng ngân hàng cần có đầy đủ hồ sơ pháp lý (bàn giao đất, giấy phép xây dựng, giấy phép mở bán) và đặc biệt những chủ đầu tư có năng lực tài chính mạnh để triển khai dự án sẽ được ngân hàng sẵn sàng cho vay.
Hiện tại, thị trường BĐS đang trong giai đoạn thanh lọc mạnh mẽ để chọn ra những dòng sản phẩm tiềm năng, những chủ đầu tư đủ tiềm lực và đi đúng hướng, những địa phương có lợi thế bền vững. Do đó, nhà đầu tư tham gia vào thị trường lúc này cần am hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường hơn, để đưa ra quyết định chính xác. Có thể nói, đây là giai đoạn "vàng" để nhà đầu tư có thể chọn được sản phẩm tốt tạo nguồn cung bền vững cho thị trường.
Đánh giá vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, sau gần nửa năm thắt chặt tín dụng, thị trường BĐS bị ảnh hưởng không ít. Nhiều doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguồn vốn phát triển, khiến thị trường đột ngột giảm tốc. Tuy nhiên, hiện nay room tín dụng của các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước nới rộng, đây là tin tốt cho thị trường BĐS phát triển theo hướng đi lên. Song, nguồn vốn vay BĐS chỉ dành cho những chủ đầu tư giàu tiềm lực, đầu tư những dự án pháp lý rõ ràng.
Cùng quan điểm này, theo các chuyên gia BĐS, thị trường BĐS những tháng cuối năm là giai đoạn bật dậy sau quãng nghỉ. Việc Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra thông tin về việc nới tín dụng vào ngày 7/9 đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý nhà đầu tư. Trong khi các doanh nghiệp BĐS hồ hởi đón chờ dòng vốn mới tiếp sức từ ngân hàng, các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho chu kỳ đầu tư mới với loạt dự án tốt sắp ra hàng.