Bí quyết xây dựng đô thị thông minh

Thứ ba, 13/09/2022 12:39
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tính đến giữa năm 2022, với 36 dự án trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh (IOC) thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Viettel hiện tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về đô thị thông minh (smartcity).


Doanh thu lĩnh vực dịch vụ giải pháp CNTT của Viettel trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 14% so với năm 2021 - Ảnh: VGP/HM

Làm đô thị thông minh theo kiểu 'may đo'

Trong các dự án IOC toàn quốc, Huế-S vẫn được nhìn nhận là một trong những hình mẫu thành công nổi bật. Được triển khai từ năm 2019 khi trong nước chưa có bất cứ mô hình IOC hay đô thị thông minh nào để tham chiếu, "Viettel đã tìm cách 'may đo' các giải pháp phù hợp cùng Thừa Thiên Huế chuyển đổi số để phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ trực tiếp người dân", đại diện Viettel cho biết.

Qua 3 năm thực hiện, đến nay có hơn 800.000 người cài đặt siêu ứng dụng nền tảng di động này. Sử dụng thuận tiện, hiệu quả, Huế-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp, vừa ứng dụng chính quyền số.

Tại Hải Phòng, IOC của thành phố cảng này cũng đã hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý đô thị dựa trên 12 hệ thống dữ liệu được kết nối từ dịch vụ công trực tuyến, giám sát thông tin trên mạng, thông tin phòng cháy chữa cháy...

Không giống với nhiều địa phương, IOC Hải Phòng còn có hệ thống giám sát tàu thuyền ra vào cảng, hệ thống luồng hàng hóa ra vào cảng. Đây là những tính năng đặc thù của IOC được Viettel phát triển riêng cho Hải Phòng, giúp hoạt động quản lý cảng biển hiệu quả hơn nhiều lần.

Ngoài những tỉnh, thành phố triển khai sớm như Thừa Thiên Huế, các địa phương mới ứng dụng IOC như Sóc Trăng cũng đã thấy thay đổi đáng kể từ quá trình chuyển đổi số. Sau hơn 6 tháng vận hành từ đầu 2022 đến nay, IOC Sóc Trăng đã trở thành "cánh tay phải" cho quá trình điều hành, quản lý của tỉnh. Toàn bộ 176 chỉ tiêu kinh tế-xã hội được tổng hợp, báo cáo phục vụ tra cứu, tìm kiếm dữ liệu thuận tiện. Qua hệ thống IOC, lãnh đạo tỉnh có thể theo dõi trực quan, nắm tình hình phân tích, đánh giá, so sánh hiệu quả tác động của công tác chỉ đạo, điều hành.

Theo đại diện Viettel, bí quyết xây dựng smartcity của Viettel là luôn sát cánh với các địa phương ngay từ giai đoạn tư vấn thủ tục, giải pháp kỹ thuật, tổ chức thực hiện dự án đến xây dựng quy trình, quy chế để vận hành. Trong quá trình trao đổi, Viettel cũng cùng các tỉnh, thành phố xây dựng chiến lược giúp đối tác hình dung được mục tiêu, bức tranh chung và những giải pháp cụ thể để đạt được những mục tiêu đó.


Hệ thống IOC do Viettel phát triển được thiết kế phù hợp với điều kiện từng địa phương - Ảnh: VGP/HM

Vai trò người đứng đầu và vị trí trung tâm của người dân

Lý giải về những yếu tố tạo nên sự thành công của các dự án smartcity, đại diện Viettel cho rằng, vai trò con người, đặc biệt là đội ngũ đứng đầu các địa phương cực kỳ quan trọng.

Huế không phải là địa phương có tiềm lực tài chính mạnh, nhưng lại làm đột phá trong xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số nhờ tầm nhìn và sự tin tưởng đồng hành với Viettel để chuyển đổi số của lãnh đạo tỉnh.

"Con người chính là yếu tố then chốt để triển khai chuyển đổi số thành công, chứ không phải chuyện tài chính hay công nghệ", ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel nhận định.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, Huế- S giờ đóng vai trò hạt nhân trong chuyển đổi số của Huế. Đây là quyết tâm của Huế tập trung cơ chế nguồn lực để phát triển ứng dụng này tốt nhất. Nếu không có Viettel đồng hành với phương thức "may đo" thì rất khó thành công.

"Huế-S mà Viettel xây dựng rất phù hợp với Huế. Đây cũng là niềm tự hào của người Huế. Biết đâu đó Huế-S sẽ trở thành nền tảng chung quốc gia", ông Bình bày tỏ.

Tương tự, tại Thái Nguyên, ứng dụng công dân số C-Thái Nguyên là kênh thông tin kết nối hiệu quả giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp. 

Với nền tảng công nghệ định danh điện tử eKYC, Thái Nguyên ID tích hợp nhiều chức năng như: Kiểm tra, đối chiếu thông tin cá nhân tức thì với cơ sở dữ liệu tập trung, nhận diện người dùng bằng AI. Ứng dụng trực tiếp hỗ trợ người dân trong vấn đề tìm kiếm việc làm trực tuyến, đăng tin và tìm nhà cho thuê, theo dõi việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cập nhật tin tức đời sống-xã hội.

Một yếu tố hàng đầu để các dự án chuyển đổi số địa phương có thể đi vào đời sống chính là việc bảo đảm trong hệ thống IOC được thiết kế để người dân đưa ra các phản ánh hiện trường. Tuy nhiên, "nếu người dân phản ánh một vài lần mà họ thấy không được xử lý thì sớm muộn hệ thống cũng sẽ chết", ông Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel chia sẻ.

Theo ông Dương Công Đức, chính vì lý do này mà Viettel không chỉ giúp địa phương ngay từ đầu tất cả các khâu đồng hành, mà còn xây dựng lộ trình đào tạo nâng cao trình độ cán bộ địa phương, chứ không "làm thay, làm hộ", mà cùng thúc đẩy để các dịch vụ có sự tương tác tích cực giữa người dân - chính quyền. Đồng thời, chế độ báo cáo phải liên tục cập nhật các phản ánh của người dân, cũng như các phản ánh đã được hệ thống phản hồi như thế nào, từ đó giúp hệ thống có thể vận hành tích cực. 

"Những dẫn chứng tiêu biểu như ở Huế, Quảng Trị, Thái Nguyên, Vũng Tàu… với việc kịp thời ban hành quy trình, quy chế về IOC và phản ánh hiện trường, hệ thống sau khi triển khai đã đi vào đời sống và có hiệu quả tích cực trong công tác điều hành của chính quyền địa phương", ông Dương Công Đức chia sẻ.

Viettel hiện đang hợp tác chuyển đổi số với khoảng 80 cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… với 112 hợp đồng được ký mới trong 6 tháng đầu 2022. Doanh thu lĩnh vực dịch vụ giải pháp CNTT của Viettel trong thời gian này tăng trưởng 14% so với năm 2021.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)