Thực hiện Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời và đi vào nền nếp. Công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị là cơ sở pháp lý cho việc quản lý, đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả các công trình sau khi đưa vào sử dụng, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển KT - XH.
Khu đô thị VCI Mountain, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên đáp ứng tốt nhu cầu nhà ở, tạo diện mạo mới năng động, hiện đại cho thành phố. Ảnh: Nguyễn Lượng
Xác định quy hoạch phải đi trước một bước; là công cụ quản lý, kiểm soát phát triển không gian kiến trúc, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, đầu tư xây dựng, công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao chất lượng, đảm bảo theo quy định của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu về phát triển không gian, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và định hướng phát triển của tỉnh. Việc rà soát, đánh giá quy hoạch được triển khai thường xuyên, kịp thời điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển KT – XH trong từng giai đoạn.
Đến nay, toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh đã được quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch chung (QHC) đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Tây, phía Bắc, phía Nam đô thị Vĩnh Phúc và các đô thị loại V, các khu chức năng phát triển du lịch - dịch vụ.
Từ đầu năm đến nay, Sở Xây dựng đã trình Bộ Xây dựng, Tỉnh ủy 3 đồ án QHC đô thị loại IV gồm: Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Đảo; tổ chức thực hiện lập QHC cho các đô thị theo Kế hoạch số 241 của Thủ tướng Chính phủ về phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.
Hệ thống hạ tầng đô thị Vĩnh Yên ngày càng hiện đại. Ảnh: Nguyễn Lượng
Bên cạnh đó, sở đã triển khai Đề án cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch; trình UBND tỉnh thông qua nhiệm vụ thiết kế đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Tam Dương, đồ án quy hoạch chi tiết nghĩa trang nhân dân, công viên sinh thái hồ Đồng Khoắm huyện Lập Thạch, lập dự án đầu tư xây dựng trường phổ thông chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật, tạo không gian đọc sách, học tập và rèn luyện cho học sinh các cấp…
Toàn tỉnh hiện có 32 đô thị, trong đó có 2 thành phố và 30 đô thị loại V thuộc cấp huyện, tốc độ đô thị hóa đạt 46%. Trên địa bàn tỉnh có 79 dự án đô thị, nhà ở, dự án hỗn hợp có nhà ở, trong đó có 13 dự án nhà ở xã hội, một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, tạo quỹ nhà ở cho người dân.
Hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước được tỉnh quan tâm đầu tư, tỷ lệ dân số đô thị loại IV trở lên được cấp nước sạch đạt 93%. Tỉnh đã hoàn thành dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên (giai đoạn 1), công suất thiết kế 5.000m3/ngày/đêm, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt 21%.
Xây dựng được 1 nhà máy xử lý rác thải tập trung với công suất 75 tấn/ngày, hiện đang tiếp tục triển khai các dự án xử lý nước ngập lụt, nước thải từ khu dân cư bằng nguồn vốn ODA với cống suất xử lý tăng lên 16.000m3/ngày, đầu tư thêm nhà máy xử lý rác với công suất 250 tấn/ngày.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng, chất lượng công trình được thực hiện theo quy định, hạn chế lãng phí trong khâu thiết kế, chống thất thoát trong đầu tư.
6 tháng năm 2022, Sở Xây dựng đã thẩm định 28 dự án, 21 báo cáo kinh tế kỹ thuật với tổng giá trị 1.340 tỷ đồng, giảm 12 tỷ đồng so với trước khi thẩm định; thẩm định thiết kế cơ sở 18 công trình, tham gia đề xuất chủ trương đầu tư đối với 30 dự án, tổ chức thẩm định 3 dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 là Đài phát thanh truyền hình, Trung tâm triển lãm thành tựu KT – XH tỉnh và Thư viện tỉnh.
Sở Xây dựng đã tổ chức xác định, công bố đơn giá nhân công, giá ca máy thi công xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh, làm căn cứ để chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thực hiện; hoàn thiện Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, mặc dù công tác quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đã từng bước đi vào nền nếp, nhưng hệ thống thoát nước tại một số khu vực đô thị chưa đảm bảo, việc chỉnh trang đô thị chưa đi vào chiều sâu, các đô thị trong tỉnh còn thiếu các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn đô thị như trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, công viên giải trí…
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị, địa phương tổng hợp nội dung điều chỉnh QHC xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, khắc phục chồng chéo đồ án quy hoạch, lập quy chế quản lý kiến trúc các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Hoàn chỉnh QHC các đô thị loại IV là Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo, các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 phát triển du lịch - dịch vụ khu vực xung quanh các hồ Vân Trục, Bò Lạc, Đồng Nhập, Làng Hà.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định quản lý nhà chung cư, đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu; tiếp tục hoàn thiện Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, triển khai Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa theo quy hoạch, tạo tiền đề phát triển KT – XH.