Nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, được xác định là 1 trong 3 cực phát triển của vùng, những năm qua, Vĩnh Phúc đang tập trung khai thác tiềm năng, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý để phát triển kinh tế, phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành đô thị thông minh, phát triển xứng tầm đô thị quan trọng của cả nước.
Hạ tầng đô thị thành phố Vĩnh Yên ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Khánh Linh
Với lợi thế địa lý không phải địa phương nào cũng có được, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng về công nghiệp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng Thủ đô, tỉnh đang tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics với trọng tâm là Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại và hạ tầng đô thị.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án đạt 225,47 triệu USD, bằng 76% so với cùng kỳ; 7 dự án DDI với tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án đạt 7.743,46 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ.
Đã có trên 723 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 6.872 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 30.563 tỷ đồng, tăng 14,27% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã hình thành nhiều vùng sản xuất, chăn nuôi quy mô tập trung với những sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng tốt cho thị trường thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển đồng đều, nhiều cơ sở kinh doanh hiện đại được đầu tư; các dịch vụ vận tải kết nối thông suốt với các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hạ tầng các khu du lịch như Đại Lải, Tây Thiên, Tam Đảo được đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, huyết mạch về giao thông để thu hút đầu tư và lưu thông hàng hóa.
Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hệ thống quy hoạch, trong đó tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh đến năm 2030 theo hướng kết nối liên thông với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường sẵn có kết nối với thủ đô Hà Nội như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Quốc lộ 2 và Quốc lộ 2C; cầu Vân Phúc qua sông Hồng, đường từ Phúc Yên đi Sóc Sơn, kết nối cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đường Vành đai 5, Vùng Thủ đô; triển khai dự án mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh.
Khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc hiện nay đang được định hình trên cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch các phân khu.
Tập trung khai thác tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, phát triển các khu đô thị sinh thái, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao để thu hút du khách trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống và nghỉ dưỡng.
TS – KTS Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết: Để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, kết nối hiệu quả trong vùng Thủ đô, Vĩnh Phúc đang xây dựng Đề án đô thị thông minh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu phát triển hệ thống đô thị Vĩnh Phúc theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững.
Thực tế hiện nay, Vĩnh Phúc có đủ điều kiện để xây dựng thành công đô thị thông minh gắn liền với mục tiêu phát triển KT – XH bền vững. Mô hình phát triển đô thị thông minh Vĩnh Phúc gồm 5 lớp sẽ được triển khai đồng thời. Trong đó, có hệ sinh thái tự nhiên, bao gồm quy hoạch, xây dựng và phát triển hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn hệ sinh thái, tối ưu hóa hệ thống điều hòa tự nhiên.
Quy hoạch xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xanh, đa phương thức kết hợp với thu thập, phân tích số liệu, vận hành tự động trên nền tảng số. Đối với không gian đô thị sẽ phát triển đa chức năng, hỗn hợp, xanh, sinh thái. Đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao hiệu suất quản lý phát triển đô thị thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, cảm biến, kết nối, tự động hóa, tương tác trên nền tảng hạ tầng ICT.
Cùng với đó là phát triển hạ tầng dịch vụ, hình thành các loại hình dịch vụ thông minh (công nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại…) dựa trên nền kinh tế tri thức. Xây dựng đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết một số vấn đề như quản lý giao thông, an ninh trật tự, cấp điện nước..., mà cần được hiểu ở tầm cao hơn.
Đó là một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối; đồng thời là giải pháp ưu việt nhằm mang đến nhiều tiện ích, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cùng với đó là tối ưu hóa sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch trong việc giải quyết các vụ việc của các cấp chính quyền.
Quá trình xây dựng đô thị thông minh Vĩnh Phúc sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó mỗi khu vực đều có giải pháp đặc thù để phát triển riêng biệt…
Việc xây dựng đô thị thông minh là hướng đi có tính đột phá của Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và đặc biệt là cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích cho đời sống xã hội, hình thành những đô thị đáng sống, đem lại hạnh phúc cho chính người dân.