Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL, cửa ngõ giao thương của vùng với các nước ASEAN, An Giang giữ vai trò quan trọng trong tổng thể quy hoạch, phát triển vùng đất “Chín Rồng”. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển theo hướng thuận thiên, tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận và cả vùng ĐBSCL; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đất đặc trưng sơn - thủy.
An Giang định hướng phát triển phù hợp với quy hoạch vùng ĐBSCL
Phát triển phù hợp quy hoạch
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt (Quyết định 287/QĐ-TTg) là quy hoạch vùng đầu tiên được thực hiện theo Luật Quy hoạch. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ĐBSCL - “vựa lúa, cá, trái cây” đối với sự phát triển chung của cả nước.
Mục tiêu được xác định rõ là phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2030, quy mô nền kinh tế (GRDP) lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021; tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%, công nghiệp - xây dựng khoảng 32%, dịch vụ khoảng 46%, thuế và trợ cấp khoảng 2%...
Trong phát triển nông nghiệp, toàn vùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái, gồm: Vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng; vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển và vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng.
An Giang với lợi thế ít chịu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, là một địa phương đóng vai trò quan trọng trong vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng (bao gồm các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ và một phần của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An). Đây được xác định là vùng sinh thái nước ngọt an toàn trước tác động của lũ, ngập, xâm nhập mặn; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản nước ngọt và trái cây của vùng ĐBSCL và quốc gia; phát triển nền nông nghiệp đa dạng, theo hướng hiện đại và bền vững, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan, đóng vai trò điều tiết và hấp thu lũ cho ĐBSCL.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, trong quy hoạch phát triển của tỉnh những năm qua và thời gian tới, phù hợp với quy hoạch của vùng ĐBSCL đối với vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn. Tỉnh phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm là thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistic, du lịch (DL) sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh lợi thế cây lúa, diện tích cây ăn trái trên địa bàn An Giang đang tăng nhanh, đến nay đạt khoảng 19.100ha, tập trung vào xoài (gần 12.500ha), mít 1.663ha, nhãn 492ha, sầu riêng 385ha, các loại cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) 1.561ha… An Giang cùng với Đồng Tháp là 2 địa phương đứng đầu về nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay. An Giang đang thu hút các dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực chế biến gạo công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản (cá tra thương phẩm và cá tra giống chất lượng cao), chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa, chăn nuôi heo quy mô công nghiệp hiện đại…
Khai thác du lịch
Trong quy hoạch vùng ĐBSCL, Chính phủ quan tâm phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị có vai trò là trung tâm cấp vùng, tiểu vùng và các đầu mối hạ tầng quốc gia, liên vùng; là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh lợi thế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, Chính phủ còn quy hoạch phát triển ĐBSCL trở thành thương hiệu quốc tế về DL nông nghiệp - nông thôn, DL sinh thái. Đồng thời, phát triển các khu, điểm DL cấp quốc gia, cấp vùng gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử, như: Khu DL quốc gia Phú Quốc, Năm Căn - Mũi Cà Mau, Tràm Chim - Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; điểm DL quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu...
Định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, ĐBSCL sẽ phát triển các tuyến DL kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, trong đó chú trọng phát triển các tuyến DL liên vùng gắn với TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau; tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Rạch Giá - Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), Tịnh Biên (tỉnh An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp) và Bình Hiệp (tỉnh Long An); tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu kết nối với Phnom Penh, Seam Reap (Vương quốc Campuchia).
Là một trong những địa phương trọng điểm về DL của vùng ĐBSCL, An Giang sẽ chủ động đầu tư và tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ DL đồng bộ, kết nối giữa các khu, điểm DL trong vùng, liên vùng và quốc tế trong, đặc biệt là hệ thống cảng DL trên sông Tiền, sông Hậu. Tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển DL; tăng cường đào tạo nghề dịch vụ DL, góp phần chuyển đổi nghề bền vững cho lao động nông thôn…
Trong Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ tập trung đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Khu kinh tế cửa khẩu An Giang cùng với Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp là trung tâm giao lưu, phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong.
|