TP. Hà Nội xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, gắn với định hướng phát triển đô thị. Theo đó, Hà Nội sẽ tập trung đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau.
Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới phải được quy hoạch xây dựng theo hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh. Ảnh: VGP/Thành Nam
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2020, Thành phố đã phát triển mới 49,67 triệu mét vuông sàn nhà ở, đưa tổng diện tích sàn nhà ở trên toàn thành phố đạt khoảng 224,73 triệu m2; diện tích bình quân đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu chương trình đề ra (khoảng 26,3m2/người). Theo đó, Thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhà ở và góp phần cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở tại Hà Nội chưa đồng đều giữa các phân khúc. Diện tích sàn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, sinh viên, nhà ở tái định cư hoàn thành đạt tỷ lệ thấp so với tổng diện tích sàn nhà ở đã hoàn thành. Trong đó, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, đối tượng chính sách thiếu hụt khoảng 3,4 triệu m2; nhà ở cho công nhân thiếu hụt khoảng 567 nghìn m2; nhà ở tái định cư thiếu hụt khoảng 828 nghìn m2... so với mục tiêu. Chỉ có nhà ở thương mại vượt mục tiêu, song chưa đồng đều nếu xét theo địa bàn.
Lý giải của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, bên cạnh những vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật về phát triển nhà ở (Luật Nhà ở, Luật Đầu tư), hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đi trước so với phát triển các dự án xây dựng nhà ở, khiến các dự án ở khu vực ngoài trung tâm kém hấp dẫn thì cơ chế, chính sách ưu đãi hiện hành chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội khu vực ngoại thành; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu hụt...
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030 tuân thủ các mục tiêu, định hướng được nêu tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực tế phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô theo từng thời kỳ.
Chương trình cũng xác định rõ trong khu vực nội đô lịch sử, sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư trong các dự án đầu tư xây mới nhà ở thương mại, nhà ở xã hội (trừ dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư). Mục tiêu này nhằm hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng. Với các khu vực còn lại, sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà ở liền kề, biệt thự thấp tầng và tăng tối đa nhà chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở, khu đô thị nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất của Thủ đô.
Thành phố cũng xác định, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới phải được quy hoạch xây dựng theo hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số, thích ứng với biến đổi khí hậu... Các khu đô thị, khu nhà ở phải được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó có các cơ sở y tế và giáo dục công lập, khu cây xanh, khu sinh hoạt cộng đồng và chỗ tập kết rác thải, các điểm nạp sạc điện cho xe ô tô, xe máy và sử dụng vật liệu thân thiện môi trường...
Đáng chú ý, việc phát triển nhà ở phải bảo đảm công bằng, đáp ứng nhu cầu về xây mới và cải tạo nhà ở của người dân theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của các hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các đối tượng thụ hưởng chính sách; tăng tỷ trọng nhà ở có diện tích trung bình, giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân. Cùng với đó, sẽ rà soát, bổ sung quỹ đất để đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, chế xuất...
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, Hà Nội đang gặp thách thức rất lớn về nhà ở, đặc biệt là việc cải tạo chung cư cũ, phát triển nhà ở xã hội cũng như nhiều dự án phát triển nhà ở bị ách tắc nhiều năm nay, chưa thể triển khai. Việc Hà Nội thông qua Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội và động lực lớn phát triển Thủ đô trong 5-10 năm tới.
Về giải pháp phát triển các loại hình nhà ở, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển - Đô thị Việt Nam cho rằng, cần bổ sung chính sách nhà ở với người có công và hộ thu nhập thấp. Đồng thời, xác định mục tiêu xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng để tránh hiện tượng không thu hút người ở, chuyển nhượng tùy tiện và phải điều chỉnh như thực tế diễn ra vừa qua.
Để chương trình đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội cần tập trung thúc đẩy các dự án phát triển nhà ở đang bị ách tắc lâu nay; cần dành quỹ đất và cơ chế thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời đẩy mạnh triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; trong đó Thành phố cần có phương án bảo đảm hài hòa lợi ích của 3 bên: Nhà đầu tư có lời - Người dân có lợi - Thành phố đúng chủ trương quy hoạch…
Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2030 xác định, tổng nhu cầu vốn phát triển nhà ở Hà Nội là khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng. Tổng diện tích đất để xây dựng khoảng 1.868ha. Đến năm 2030, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 32m2 sàn/người…