UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Tân đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.
Cửa biển Cái Đôi Vàn, huyện Phú Tân.
Huyện Phú Tân nằm trong hành lang ven biển Tây (Vịnh Thái Lan), là vùng chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau. Theo tuyến hành lang này, thị trấn Cái Đôi Vàm là đô thị ven biển Tây, liên kết với các đô thị quan trọng khác dọc theo tuyến đường đê biển Tây như: Thị trấn Sông Đốc, khu dân cư cửa Đá Bạc, cửa Khánh Hội. Theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc 2021 - 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định đô thị Cái Đôi Vàm sẽ đạt tiêu chí đô thị loại IV vào giai đoạn 2021 - 2025.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác và phát huy thế mạnh của địa phương, quản lý, khai thác không gian đô thị - nông thôn, không gian phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch...gắn với việc gìn giữ các giá trị sinh thái và nhân văn, đáp ứng các tiêu chí huyện nông thôn mới thì việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Tân đến năm 2030 định hướng đến 2040 là rất cần thiết và cấp bách, tạo điều kiện thuận lợi để Phú Tân trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch vùng huyện Phú Tân là địa giới hành chính huyện bao gồm: Thị trấn Cái Đôi Vàm và 8 xã: Nguyễn Việt Khái, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Thuận, Rạch Chèo, Tân Hải, Tân Hưng Tây, Việt Thắng. Diện tích quy hoạch 448,19 km2; dân số 97.639 người; mật độ 218 người/km2.
Theo đó, tính chất vùng huyện Phú Tân là vùng chiến lược phát triển kinh tế biển phía Tây của tỉnh Cà Mau, khu vực cửa ngõ giao thương và đầu mối giao thông thủy quốc gia với biển Tây. Là trung tâm đánh bắt, chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển các ngành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, các ngành công nghiệp phụ trợ..., các ngành nghề truyền thống; phát triển công nghiệp khai thác nguồn năng lượng tái tạo điện gió ven biển. Phát triển chuỗi du lịch sinh thái Đầm Thị Tường gắn liền với di tích Căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước và di tích Hải Yến - Bình Hưng; du lịch cộng đồng theo rừng ngập mặn ven biển.