Cùng với các chính sách thu hút lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động, thời gian gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn quan tâm đầu tư nhà ở cho công nhân. Chính sách ưu tiên phát triển nhà ở góp phần đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, giúp họ gắn bó làm việc lâu dài với doanh nghiệp...
Khu tập thể công nhân 314 Công ty CP Than Vàng Danh (TP Uông Bí).
Khu tập thể công nhân 314 được coi là biểu tượng mô hình chung cư kiểu mẫu của thợ mỏ Công ty CP Than Vàng Danh (TP Uông Bí), với quy mô 142 phòng, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 500 công nhân. Hiện nay, khu tập thể này thu hút trên 300 công nhân trong đơn vị đăng ký ở.
Đáng chú ý, khu tập thể công nhân 314 được trang bị đầy đủ thiết bị sinh hoạt hiện đại, tiện ích, như: Thang máy phục vụ đi lại, căng tin, phòng tập thể thao trong nhà, phòng hát karaoke, khu thể thao ngoài trời, khuôn viên, tiểu cảnh, vườn cây... Đặc biệt, khu có 3 phòng hạnh phúc, tiện nghi sang trọng như phòng khách sạn, phục vụ những dịp đoàn tụ của gia đình thợ mỏ. Khu tập thể đang tiến tới xây dựng bể bơi 4 mùa, siêu thị Vinmart+.
Hơn chục năm gắn bó với nghề mỏ, thợ lò Nguyễn Xuân Đàm (tỉnh Thái Bình) đã có khoảng 8 năm sinh sống cùng với đồng nghiệp trong căn phòng rộng hơn 40m2 khu tập thể công nhân 314. Xa quê lập nghiệp, trước đây, anh Đàm cũng có quãng thời gian thuê trọ ở ngoài. Thế nhưng, do điều kiện ăn ở và tiền thuê nhà trọ cao, cộng với an ninh không được đảm bảo nên anh quyết định đăng ký với đơn vị vào ở khu tập thể 314.
Thợ lò Nguyễn Xuân Đàm chia sẻ: So với thuê trọ bên ngoài, môi trường ăn ở, sinh hoạt tại khu tập thể 314 tốt hơn nhiều. Chúng tôi coi khu tập thể công nhân 314 gắn bó như ngôi nhà thứ hai của mình bởi mọi sinh hoạt rất thoải mái, sôi động, khiến thợ mỏ phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần, gắn bó với mỏ. Gần 100% các khoản chi phí nhà ở của công nhân được công ty miễn giảm giúp công nhân tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Quan trọng nhất sau những giờ làm việc vất vả về nghỉ ngơi tại khu tập thể, công nhân được hưởng thụ nhiều tiện ích chăm lo sức khỏe đời sống vật chất, tinh thần; điều kiện ăn, ở sinh hoạt được duy trì đều đặn. Khi công nhân có nơi ăn, chốn ở ổn định, thoải mái sẽ nhanh chóng tái tạo sức lao động. Điều này, giúp chúng tôi yên tâm, gắn bó làm việc lâu dài với doanh nghiệp.
Nhằm giúp công nhân “an cư, lạc nghiệp” có chỗ ở ổn định, thời gian gần đây, nhiều đơn vị đã đầu tư, nâng cấp nhà ở chung cư cho thợ mỏ. Cùng với Công ty CP Than Vàng Danh, hầu hết các đơn vị khai thác than hầm lò cũng xây dựng chung cư dành riêng cho công nhân thợ mỏ, như: Công ty Than Nam Mẫu, Công ty Than Mạo Khê, Công ty Than Thống Nhất, Công ty Than Hạ Long...
Hiện nay, số công nhân mỏ đang làm việc ở các doanh nghiệp đóng chân tại Quảng Ninh có trên 70.000 người, trong đó có 61.000 người hiện đã có chỗ ở ổn định, còn 9.000 người chưa có chỗ ở ổn định. Công nhân mỏ tập trung chủ yếu tại TP Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Hiện nay, khoảng 87% công nhân đã lập gia đình, chỉ có 13% công nhân chưa kết hôn. Các nhóm công nhân phân theo hình thái ở: Nhà ở thuộc sở hữu cá nhân hoặc người thân trong hộ gia đình; nhà ở công nhân mỏ than; thuê trọ hoặc trọ nhờ nhà người thân.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành Than, khu công nghiệp; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh. Theo đó, từ nay đến năm 2025, TKV đề xuất với tỉnh tiếp tục quy hoạch xây dựng 10 khu nhà ở tập thể, với diện tích đất khoảng 5,04ha. Dự kiến, khi đưa vào hoạt động 10 khu nhà ở tập thể sẽ đáp ứng chỗ ở cho 2.400 công nhân.
Để hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân ngành Than nói riêng, nhà ở xã hội nói chung, thời gian tới tỉnh rà soát bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch phát triển khu công nghiệp. Trong đó, sẽ ưu tiên sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2025.