Chiều 16/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo đại diện một số sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và đại diện đơn vị tư vấn xây dựng đồ án quy hoạch.
Quang cảnh hội nghị.
Báo cáo tóm tắt Đồ án Quy hoạch nêu rõ quan điểm phát triển chung là quán triệt đường lối, chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là "Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý chí, khát vọng, giá trị lịch sử, văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tỉnh Ninh Bình thành trung tâm du lịch của cả nước; phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng", hướng tới xây dựng Ninh Bình trở thành trung thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Duyên Hải Bắc bộ. Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường liên kết vùng, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững, thân thiện với môi trường, năng suất lao động cao, hiệu quả, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ tốt tâm môi trường, phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững. Phát triển nền kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng này chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ, công nghệ và nh kỹ thuật cao, trong đó phát triển công nghiệp tập trung theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường
Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2050 tỉnh Ninh Bình sẽ là "trung tâm du lịch của nước" và là một trong những tỉnh khá, phát triển toàn diện, nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của vùng đồng bằng sông Hồng. Ninh Bình giữ vai trò "một cực tăng trưởng" của tứ giác: thủ đô Hà Nội, Hải Phòng- Quảng Ninh- Ninh Bình- Thanh Hóa; là nơi đáng sống, an toàn và thân thiện.
Quy hoạch làm rõ phương hướng phát triển các ngành quan trọng và lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, gồm: phát triển công nghiệp- xây dựng; phát triển ngành dịch vụ, thương mại, du lịch; phát triển ngành nông, lâm, thủy sản.
Quy hoạch cũng làm rõ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật; phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và vùng huyện; Phương án phân bố và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và các đơn vị hành chính cấp huyện; các phương án bảo vệ môi trường; Khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học; Phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; danh mục dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành đã tập trung thảo luận, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn làm rõ một số thông tin được nêu tại quy hoạch liên quan đến phương án phân bổ khoanh vùng đất đai, danh mục sử dụng đất rừng, cơ cấu ngành chăn nuôi, quy hoạch phòng chống lũ, lộ trình xây dựng các khu cụm công nghiệp, phương án phát triển lưới điện; xem xét lại công tác thống kê số liệu diện tích đất; bổ sung một số xã vào vùng đệm của Di sản Tràng An; định hướng phát triển các khu đô thị mới; bổ sung 15 tuyến đường sông vào quy hoạch đường thủy…Thống nhất tên gọi của các đơn vị y tế đảm bảo sự thống nhất giữa cấp tỉnh và cấp huyện; điều chỉnh lại quy hoạch ngành y tế của tỉnh.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những nỗ lực của đơn vị tư vấn và các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh trong công tác phối hợp xây dựng dự thảo. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các sở, ban, ngành để chỉnh sửa, hoàn thiện xây dựng đồ án quy hoạch.