Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Từ 9/6/2022, thành phố Hà Nội sẽ áp dụng Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 và bãi bỏ Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định mới này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sửa đổi Điều 10 về trình tự, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ hoặc sổ hồng) cho tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở.
Cụ thể, khi các tổ chức mua nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại tại những dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì không quá 30 ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội căn cứ kết quả kiểm tra, thẩm định dự án (quy định tại Khoản 1 Điều 15 Quyết định số 12/2017 ngày 31/3/2017), hợp đồng mua bán nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại để xét cấp "sổ đỏ" cho tổ chức.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 Điều 11 (hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho trường hợp nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm).
Hồ sơ tổ chức nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường gồm: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (bản chính); hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê theo quy định (bản chính); giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bản chính).
Đối với trường hợp chuyển nhượng tài sản gắn liền với một phần thửa đất thuê, ngoài những giấy tờ trên, tổ chức phải nộp thêm Trích đo địa chính thửa đất do Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân đo đạc lập, được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thẩm định hoặc bản trích lục thửa đất mới tách theo kết quả đo đạc địa chính do Văn phòng đăng ký đất đai lập (bản chính); việc tách thửa theo quy định tại Điều 75 Nghị định số 43/2014 của Chính phủ.
Theo quy định, không quá 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm thẩm định trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thu hồi đất của bên chuyển nhượng, cho đơn vị nhận chuyển nhượng thuê đất để sử dụng cùng công trình đã xây dựng trong thời hạn thuê đất còn lại.
Sau khi Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện các thủ tục liên quan đến hợp đồng thuê đất.
Trong thời gian 10 ngày làm việc, sau khi người sử dụng đất thực hiện xong các nghĩa vụ quy định tại quyết định cho thuê đất của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường ký giấy chứng nhận và thông báo cho tổ chức sử dụng đất; thực hiện việc chỉnh lý, cập nhật biến động đất đai vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Đối với trường hợp có yêu cầu chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thời gian giải quyết không quá 15 ngày làm việc.
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, chủ đầu tư dự án có nhà ở xã hội, hướng dẫn việc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
Về nguyên tắc bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ một lần. Người thuê không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký.
Theo đó, đối tượng thuê, thuê mua, mua gồm: người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an, quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Người thu nhập thấp, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an, quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập.
Điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ gồm: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc đang sở hữu nhà nhưng diện tích bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức tối thiểu do Chính phủ quy định; phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội.
Đáng lưu ý, người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được phép thế chấp, chuyển nhượng nhà ở trong thời gian tối thiểu 5 năm và chỉ được phép bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Nếu chưa đủ 5 năm, bên mua hoặc thuê mua có nhu cầu bán lại thì chỉ được bán cho chủ đầu tư hoặc đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán.
Nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua, trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố thì việc lựa chọn căn hộ thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký nhiều hơn, việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức bốc thăm (do chủ đầu tư tổ chức, đại diện Sở Xây dựng giám sát).
Riêng người có công với cách mạng, người khuyết tật được ưu tiên mua, thuê, thuê mua mà không phải bốc thăm với tỷ lệ nhất định.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, giá bán, cho thuê, cho thuê mua; hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về; giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội../.