Phố Minh Khai, đoạn qua gần cầu Vĩnh Tuy thường xuyên xảy ra ngập úng khi có mưa. Ảnh: VGP/Tâm Anh
Vẫn còn nhiều điểm úng ngập
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, năm 2022, dự báo Hà Nội còn 11 điểm trọng yếu về ngập úng. Trong đó, lưu vực sông Tô Lịch có 8 điểm gồm: Phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa), phố Hoa Bằng (đoạn từ số nhà 91 đến 97 và số 54 đến 56, quận Cầu Giấy), ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm), phố Cao Bá Quát (đoạn qua Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, quận Ba Đình), phố Thụy Khuê (dốc La Pho, quận Tây Hồ), phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), phố Nguyễn Chính (đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mưng Tân Mai, quận Hoàng Mai).
Lưu vực sông Nhuệ có 1 điểm là khu vực Đại lộ Thăng Long (đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, km9+656; nút giao An Khánh, quận Nam Từ Liêm); Khu vực sông Cầu Bây (quận Long Biên) có 2 điểm gồm: Phố Ngọc Lâm (đoạn từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm); Đường Hoàng Như Tiếp (đoạn từ trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ).
Mới đây, cơn mưa to kéo dài khoảng 1 giờ sáng ngày 16/4 và 2h sáng ngày 1/5 đã khiến nhiều khu vực tại TP. Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng, điển hình như: Phố Nguyễn Khuyến, đoạn qua khu vực trường Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) và nút Cao Bá Quát; phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng). Ngoài ra, cường độ mưa lớn tập trung tại khu vực phía Đông Thành phố nên xuất hiện tình trạng úng ngập cục bộ tại các điểm: Vũ Xuân Thiều, hầm chui xe lửa Thiên Đức, Ngô Xuân Quảng (trước cửa ĐH Nông nghiệp), Hà Huy Tập với mức độ ngập từ 0,15 - 0,25m.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngoài việc hạ tầng yếu kém, một trong những nguyên nhân chính khiến công tác thoát nước gặp nhiều khó khăn đó là tiến độ xây dựng của các dự án phát triển hạ tầng, trong đó có cả các dự án nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước. Dẫn chứng về vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, tại khu vực phố Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho, quận Tây Hồ) - nơi việc tiêu thoát nước phụ thuộc chính vào hệ thống mương Thụy Khuê. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án cải tạo mương Thụy Khuê vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng, giải phóng mặt bằng nên việc tiêu thoát nước gặp rất nhiều khó khăn.
Tại khu vực Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, việc nhà ga tàu điện S12 chậm triển khai đã khiến hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi, để thực hiện dự án, đơn vị thi công đã nắn dòng đường thoát nước chung của tuyến vào một đường ống riêng chạy sát với công trường thi công. Song, đường ống này chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước trong khu vực, làm chậm khả năng tiêu thoát nước, tăng thời gian úng ngập khi có mưa lớn.
Trong khi đó, “hạ tầng yếu kém, công tác thoát nước phụ thuộc nhiều vào khả năng thoát nước của tuyến cống phố Minh Khai và mương Vĩnh Tuy… là những nguyên nhân khiến phố Minh Khai, đoạn gầm cầu Vĩnh Tuy thường xuyên rơi vào tình trạng ngập úng khi có mưa lớn” - lãnh đạo Xí nghiệp 3, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết.
Tương tự phố Nguyễn Khuyến, theo lãnh đạo Xí nghiệp 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân khiến khu vực này rơi vào tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn là do đoạn qua trước cổng trường THCS Lý Thường Kiệt mặt đường trũng hơn các khu vực xung quanh từ 0,3 – 0,4m. Do đó, khi có mưa lớn với cường độ từ 50mm/giờ trở lên nước dồn về rất nhanh vượt quá công suất của trạm bơm dẫn đến tình trạng ngập úng.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội nạo vét cống thoát nước tại khu vực Phan Bội Châu- Lý Thường Kiệt. Ảnh: VGP/Tâm Anh
Sử dụng công nghệ tiên tiến giảm thiểu úng ngập
Đề cập đến các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước tại Thủ đô, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh kiến nghị, Thành phố chỉ đạo các sở ngành, chủ trì với UBND các quận, huyện có liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác chuyển giao quản lý hệ thống thoát nước theo phân cấp. Sớm triển khai nạo vét, bổ cập nước cho Hồ Tây nhằm cải thiện chất lượng nước trong hồ, tạo dòng chảy, đảm bảo vệ sinh môi trường trên sông Tô Lịch. Chỉ đạo xây dựng quy trình vận hành trạm bơm Yên Nghĩa với nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết tiêu thoát nước đô thị tại các khu vực Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân…
Cùng với đó, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã kiến nghị Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành 5 công trình sửa chữa, cải tạo thoát nước gồm: Công trình thoát nước khu vực gầm cầu Vĩnh Tuy; Cải tạo thoát nước phố Khương Hạ (đoạn từ ngã ba Khương Hạ đến sông Tô Lịch); Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Trãi; Cải tạo hệ thống thoát nước phố Triều Khúc (đoạn từ ngõ 97 đến Ao Đình); Cải tạo ô số 4 bãi C Yên Sở mở rộng… để đưa vào phục vụ thoát nước mùa mưa 2022.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện nay, trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội có hiện tượng nhiều hộ kinh doanh mặt phố xây bục bệ, cầu dẫn, thường xuyên dùng tấm bạt, bìa carton và các vật dụng khác để che đậy lên ga ghi thu thoát nước… khiến nước mưa không kịp tiêu thoát khi trời mưa, gây ra ngập úng. Do đó, để phục vụ công tác thoát nước mùa mưa năm 2022, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã chỉ đạo các xí nghiệp, phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức ra quân thu dọn tấm chắn, vật cản, phá dỡ bục bệ gây cản trở dòng chảy trên ga thu, ghi thu bằng xe cơ giới.
Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, năm 2022, đơn vị sẽ nghiên cứu, hợp tác, ứng dụng các công nghệ tiên tiến mới trong xử lý ô nhiễm môi trường nước, xử lý bùn thải; từng bước xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư, người dân tham gia vào công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố, xây dựng và lắp đặt trạm xử lý nước thải tập trung tại bệnh viện và khu đô thị, thiết bị tách dầu mỡ tại nhà hàng, thiết bị tách mỡ tại hộ gia đình.
Ngoài ra, Công ty tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp “Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước”, triển khai số hóa mạng lưới thoát nước trên hệ thống; thực hiện nghiêm túc phương án ứng trực, giải quyết úng ngập đã được phê duyệt và công tác trực đường dây nóng.