Thời gian qua, bằng các nguồn vốn, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Hết năm 2020 toàn tỉnh có 352 công trình cấp nước tập trung và 100.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ là các giếng đào, giếng khoan, téc nước.
Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi kiểm tra việc vận hành công trình nước sạch tại xã Đông An, huyện Văn Yên.
Tính trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 30 công trình cung cấp nước cho gần 12.400 hộ, với tổng vốn đầu tư 169 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhân dân xây dựng được 10.700 công trình cấp nước hộ gia đình.
Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã được giao cho địa phương cơ sở và các đơn vị khai thác quản lý vận hành. Ở cấp xã đã thành lập ban quản lý vận hành công trình. Ngoài quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình, thành viên ban quản lý có trách nhiệm thực hiện bảo vệ các tác động bên ngoài gây ảnh hưởng đến nguồn nước, nguồn sinh thủy. Người dân từng bước nêu cao ý thức bảo vệ nguồn nước, tránh thất thoát nước phục vụ đời sống hàng ngày.
Theo báo cáo, đến năm 2020, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 86%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh là 91% (kế hoạch đề ra 90%). Hết năm 2021, tỷ lệ dân số đô thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đều tăng 1% so năm 2020, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Năm nay, tỉnh đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 88%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh là 93%. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2025, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch đạt trên 91%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98%. Với kết quả bình quân mỗi năm tăng 1% cho thấy, việc hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra sẽ có những khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn.
Khó khăn nữa là do sự biến đổi thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ, nhiều nguồn nước đã bị cạn kiệt vào mùa khô; dân cư phân tán nên khó khăn trong quản lý, bảo vệ công trình cấp nước; ý thức cùng với điều kiện kinh tế của người dân vùng núi, núi cao còn nhiều hạn chế; kinh phí dành cho công tác ngoại kiểm chất lượng nước, phục vụ truyền thông còn thiếu… đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nước sạch và bảo vệ nguồn nước.
Hết năm 2021, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch đạt 87%; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh là 92%
Cuối tháng 4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã ký Quyết định số 685/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Theo Kế hoạch, sẽ đảm bảo cho khu vực nông thôn được tiếp cận dịch vụ cấp nước được thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình khu vực nông thôn, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh nguồn nước; góp phần phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp nước liên tục, đủ lưu lượng, chất lượng nước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người; phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với điều kiện tự nhiên và khả năng đáp ứng về nguồn nước; khai thác sử dụng đi đôi với bảo vệ nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu.
Các mục tiêu được đặt ra là đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, đến năm 2030, tỷ lệ này là 100%. Năm 2030 cũng phấn đấu trên 50% dân số nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn. Năm 2045, tỉnh phấn đấu trên 80% số dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững…
Từ kinh nghiệm chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở các mục tiêu đề ra, Yên Bái sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đến các tổ chức, cá nhân.
Cùng với tổ chức phát động Tuần lễ quốc gia nước sạch vệ vệ sinh môi trường nông thôn, hàng năm sẽ triển khai các hoạt động giáo dục, truyền thông để tuyên truyền phổ biến pháp luật, cơ chế chính sách nhằm thay đổi hành vi thói quen, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; đa dạng loại hình truyền thông, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động cả cộng đồng tham gia truyền thông nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.
Tỉnh cũng sẽ bổ sung ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn đồng bộ, thống nhất, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội cho đầu tư cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn; đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, gắn với khai thác quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với giám sát quản lý vận hành công trình; kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi có điều kiện phù hợp thuận lợi để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thuỷ lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.
Theo Kế hoạch, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khó khăn về nguồn nước, công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ các hộ dân vay vốn đầu tư xây dựng bể trữ nước và các hình thức trữ nước khác phù hợp với đặc thù vùng, miền để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt.
Đối với cấp nước an toàn và thích ứng biến đổi khí hậu, sẽ thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, đảm bảo ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh…
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra, cùng với sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được triển khai sẽ góp phần để trên 91% dân số đô thị được sử dụng nước sạch và 98% dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh như Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra.